Tọa đàm về chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị tại tỉnh Trà Vinh

         Qua thời gian thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh), toàn tỉnh chỉ có 05 dự án liên kết được phê duyệt và triển khai thực hiện tại huyện Cầu Kè và huyện Cầu Ngang. Kết quả này rất thấp nếu so với tỉnh Tiền Giang đã có 19 dự án và thêm 70 dự án triển khai sắp tới.

Vậy đâu là bất cập dẫn đến các dự án của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng. Để góp phần trả lời câu hỏi này, ngày 15/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Dự án SME Trà Vinh tổ chức buổi Tọa đàm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận và triển khai thực hiện các chính sách nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nội dung tập trung về Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

         Diễn giả tại Tọa đàm gồm, PGS. TS Nguyễn Phú Son, Cố vấn chuỗi giá trị Dự án SME Trà Vinh, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ; bà Hồ Đào Ngạn, Trưởng phòng Kinh tế trang trại Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang; bà Bùi Thị Thu Hoà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh. Đại biểu tham dự Tọa đàm: Lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân xã và các doanh nghiệp/cơ sở/hợp tác xã (HTX) tham gia dự án.

PGS. TS Nguyễn Phú Son phát biểu tại buổi tọa đàm

 

         Theo PGS. TS Nguyễn Phú Son, khó khăn chủ yếu mà các tỉnh Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, đó là: Các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách thiếu đồng bộ và chưa đầy đủ, vì vậy địa phương (huyện, xã) lúng túng, ngại hoặc không dám triển khai, sợ sai, sợ trách nhiệm. Nhiều nơi, thiếu sự quan tâm của địa phương nên các chính sách không được triển khai hoặc triển khai chưa tốt đến đối tượng thụ hưởng. Về phía doanh nghiệp và HTX, do đặc thù đầu tư vào nông nghiệp gặp rủi ro cao, khó thu hồi vốn nên khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp không mặn mà tham gia liên kết. Ngược lại, hầu các HTX đều yếu về nguồn lực cho đầu tư, dễ “bỏ cuộc” khi phải hoàn thành các thủ tục nhận hỗ trợ. Năng lực quản lý, bộ máy quản lý của HTX chưa nhạy bén, thường chỉ quan tâm đến chi phí bỏ ra mà không tính đến lợi ích đem lại khi tham gia liên kết. PGS. TS Nguyễn Phú Son cũng cho rằng, bản chất liên kết là ổn định (ổn định đầu ra sản phẩm của HTX, ổn định đầu vào cho doanh nghiệp cung cấp vật tư, trang thiết bị); ngành hàng nào biến động giá càng lớn thì càng phải liên kết và chỉ có liên kết mới giải được bài toán dư thừa sản phẩm (thí dụ, giá thu mua dừa thường luôn biến động rất lớn trong năm rất cần phải liên kết). Ngoài ra, hiện nay sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu những doanh nghiệp chế biến nên liên kết cũng gặp khó. 

Hình ảnh tại buổi Tọa đàm

 

         Tiền Giang được xem là tỉnh triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP thành công nhất Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bà Hồ Đào Ngạn cho rằng, do trước đó, tỉnh đã có nền tảng liên kết lúa từ cánh đồng lớn và hợp đồng cung ứng rau cho tập đoàn có hệ thống cửa hàng bán lẻ toàn quốc hay hợp đồng cung ứng rau cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Để triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cụ thể cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn chi tiết về thực hiện các chính sách. Kịp thời hỗ trợ địa phương tháo gỡ những vướng mắc (nếu có). Đặc biệt, Tiền Giang có “lợi thế” về sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, chủ động mời HTX, mời đơn vị tư vấn cùng thảo luận dự án, chọn lựa chính sách hỗ trợ phù hợp nhất với điều kiện của địa phương, nên chính sách được triển khai tốt. Tuy vây, tỉnh cũng có những khó khăn như, chưa có dự án về cây ăn trái do thị trường tiêu thụ và quy định thời gian liên kết tối thiểu là 05 năm, tiến độ viết dự án chậm vì không đủ đơn vị tư vấn. Nguyên nhân không đủ đơn vị tư vấn là do định mức hỗ trợ chưa hấp dẫn nên các đơn vị tư vấn không mặn mà,...  

         Trở lại với tỉnh Trà Vinh, báo cáo tại Tọa đàm và phản ánh của địa phương, HTX thì khó khăn mà doanh nghiệp, HTX đang gặp phải dẫn đến kết quả thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP còn thấp, như: Khó khăn trong viết dự án hoặc cung cấp hóa đơn chứng từ thanh quyết toán; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho doanh nghiêp khi xây dựng dự án với HTX ở ngoài huyện sẽ thực hiện như thế nào; băn khoăn về máy bay không người lái để phun thuốc hay những thiết bị mới khác xuất hiện tại Việt Nam để phục sản xuất có được hỗ trợ không vẫn chưa được giải đáp,…  Tuy vậy, xác định Nghị định số 98/2018/NĐ-CP có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường liên kết và giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh. Trong thời gian tới, để Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đạt kết quả khả quan hơn, bà Bùi Thị Thu Hoà đưa ra mốt số giải pháp, gồm: Triển khai thực hiện tốt 5 HTX tham gia mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị trở thành HTX kiểu mẫu theo Quyết định 2542/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; tiếp tục mời các đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh tham gia dự án; phối hợp với các sở, ban, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND theo kiến nghị của các địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế,…

 

Văn Đoái

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới