Hội nghị tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023

         Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 5824/UBND-NN ngày 22/12/2022, ngày 06/01/2023 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 có 70 đại biểu tham dự, gồm: Đại diện cho các Sở, ban ngành tỉnh, đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế thị xã, thành phố và Trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Chủ trì Hội nghị do đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Trường Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. 

Đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị

         Năm 2022 là năm ngành Nông nghiệp và PTNT gặp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen: Nguồn nước ngọt, thời tiết tương đối thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh trên thủy sản và trên đàn gia cầm, đặc biệt bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò được kiểm soát tốt; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá, mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao ngày càng phát triển; các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất tiếp tục được quan tâm đầu tư; giá một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: lúa, heo hơi, gà thả vườn, tôm sú, tôm thẻ, cua biển, cá tra ở mức khá cao. Bên cạnh những lợi còn có một số khó khăn: (1) Giá cả vật tư đầu vào tăng cao làm tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận đáng kể nên một số hộ dân giảm lượng phân bón làm giảm năng suất hoặc bỏ vụ sản xuất; Giá dầu tăng cao làm cho chi phí khai thác tăng cao, chủ tàu khai thác thua lỗ, một số tàu công suất lớn tạm ngưng hoạt động dẫn đến sản lượng khai thác giảm; (2) Bệnh Dịch tả heo Châu phi xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp, đồng thời giá bò hơi những tháng gần đây giảm làm cho người dân hạn chế tái đàn; giá dừa khô giảm sâu chưa có dấu hiệu phục hồi ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người trồng dừa; (3) Thị trường tiêu thụ một số nông sản ngày càng khó khăn hơn; (4) Những yếu kém nội tại về sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mặc dù từng bước khắc phục nhưng chưa đáp ứng của việc sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng theo nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.... Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó và khắc phục, ngành Nông nghiệp và PTNT đã nổ lực hết sức mình, phối hợp tốt với các Sở, ban ngành tỉnh và địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ; đặc biệt là sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện được nhiều biện pháp tích cực và xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, mà phần lớn các chỉ tiêu kế hoạch triển khai thực hiện đều đạt được kết quả đáng biểu dương: (1) Giá trị sản xuất toàn ngành 29.556 tỷ đồng, đạt 95,22% kế hoạch, tăng 2,79% so với cùng kỳ, chiếm 30,29% GRDP toàn tỉnh, đã bù đắp cho khu vực II (công nghiệp – xây dựng) được 1.129 tỷ đồng góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó: GTSX nông nghiệp và thủy sản tăng, lâm nghiệp giảm hơn so với cùng kỳ; (2) Tỷ lệ che phủ rừng 4,07% (đạt 100% kế hoạch); (3) Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8% (trong đó nước sạch đạt 77,19%, vượt 3,57% KH); (4) Có thêm 04 xã đạt 19/19 tiêu chí, 10 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, đạt 100% KH; hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định 02 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt huyện nông thôn mới. Nâng tổng số đến cuối năm có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 100% tổng số xã, 35 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 41,18% số xã nông thôn mới; 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cụ thể trên từng lĩnh vực như sau:

         Một là, Kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, duy trì phát triển được một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh; diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng, tạo sự đột phá để tăng năng suất, chất lượng nông sản trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cụ thể từng lĩnh vực như sau:

         - Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cả năm là 252,59 ngàn ha, đạt 96,74% kế hoạch (giảm 6.624 ha so cùng kỳ), sản lượng đạt 2,43 triệu tấn (giảm 58,3 ngàn tấn), gồm: Cây lúa 201,37 ngàn ha (giảm 7.647 ha), sản lượng 1,085 triệu tấn đạt 92,46% kế hoạch (giảm 63,79 ngàn tấn); cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác 51,22 ngàn ha (tăng 1.023 ha), sản lượng 1,35 triệu tấn (tăng 5.437 tấn). Diện tích cây lâu năm 43,95 ngàn ha (tăng 733 ha), sản lượng 708,68 ngàn tấn (tăng 46,27 ngàn tấn). Ngoài ra, cải tạo vườn tạp, giồng tạp sang trồng hoa màu, dừa, cây ăn trái và nuôi thủy sản 76,38 ha; chuyển đổi đất trồng mía sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản 113,25 ha.

         - Chăn nuôi: Ngành đã tập trung thực hiện rất quyết liệt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả heo Châu Phi đến cuối năm cơ bản được kiểm soát. Về tổng đàn chăn nuôi: Đàn heo 277.500 con, vượt 7,35% kế hoạch (tăng 7.761 con so cùng kỳ); đàn bò 242.000 con, đạt 95,65% kế hoạch (tăng 12.307 con so cùng kỳ); đàn dê 21.450 con, đạt 89,38% kế hoạch (tăng 468 con); đàn gia cầm 7,6 triệu con, đạt 97,44% kế hoạch (tăng 144 ngàn con so cùng kỳ). Tổng sản lượng thịt ước đạt khoảng 85 ngàn tấn (tăng 3 ngành tấn so với cùng kỳ), sản lượng trứng 150 triệu quả (tương đương cùng kỳ).

         - Lâm nghiệp: Trồng mới 80 ha rừng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,07%, đạt 100% kế hoạch. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ rừng và kiểm soát lâm sản, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm đúng quy định.

         - Thủy sản: Điều chỉnh cơ cấu con nuôi, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; diện tích nuôi thâm canh mật độ cao tiếp tục được mở rộng, nâng tổng số đến nay, toàn tỉnh có 1.114 ha nuôi tôm thâm canh mật độ cao, tăng 230 ha so cùng kỳ; lĩnh vực khai thác giảm. Tổng sản lượng 227,28 ngàn tấn (gần 88,23 ngàn tấn tôm), trong đó: Sản lượng nuôi 169,16 ngàn tấn (81,34 ngàn tấn tôm), sản lượng khai thác 58,12 ngàn tấn (6,89 ngàn tấn tôm).

         Hai là, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả số lượng và chất lượng cơ bản đạt kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển, kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu nhập của người dân ngày càng tăng, nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh hiện có 85 xã đạt xã nông thôn mới, chiếm 100% tổng số xã, 35 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Chương trình OCOP đã có thêm 107 sản phẩm đủ tiêu chuẩn công nhận, nâng tổng số có 187 sản phẩm đạt OCOP.

         Ba là, Công tác ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật được xác định là khâu then chốt trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong năm ngành xây dựng 20 loại mô hình kết hợp với đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho gần 16.000 lượt người và tư vấn kỹ thuật trực tiếp cho khoảng 9.200 lượt hộ. Nhờ đó, giúp người dân thay đổi dần tập quán canh tác, nâng cao khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

         Bốn là, Công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, ngành đã phối kết hợp cùng với các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn và triển khai thực hiện nhiều biện pháp khác góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất và tài sản của người dân.

         Năm là, Ngành cũng đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp; thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm an toàn thực phẩm; Kịp thời cụ thể hóa, xây dựng và triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mang lại hiệu quả đáng kể; từng bước củng cố và phát triển được các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt HTX NN (Trong năm, thành lập mới được 11 HTX, nâng tổng số có 151 HTX và liên hiệp HTX NN đang hoạt động) nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Đầu tư công được tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác của ngành nông nghiệp thực hiện có sự chuyển biến tích cực.

         Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: - Giá trị sản xuất toàn ngành so với kế hoạch chưa điều chỉnh thì vượt nhưng so với kế hoạch điều chỉnh thì không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, chưa có sự đột phá toàn diện và chưa đồng bộ; Liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều bất cập; Nông sản có nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và cấp mã vùng trồng và nuôi không nhiều nên chưa tạo được nhiều lòng tin của người tiêu dùng; Kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được sức mạnh của tập thể nên chưa huy động được người dân tham gia; Dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh, giá cả đầu ra không ổn định ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh; Công tác xúc tiến đầu tư và thương mại vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế; việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, ngành nghề nông thôn còn gặp một số khó khăn nhất định; số sản phẩm đạt OCOP thấp; Việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; Xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra nhưng chưa thật sự bền vững, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hoá.

 

Quang cảnh toàn Hội nghị

 

         Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2023, cụ thể như sau:

         Theo dự báo của ngành cho thấy năm 2023 sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn như: Biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan hơn, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống dân sinh; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh.... Trước những khó khăn, thách thức trên, đòi hỏi toàn ngành vừa có những ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại, cần phải có sự nỗ lực to lớn của toàn ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương.

         Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021- 2025), kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao dựa trên lợi thế của từng địa phương góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra mà ngành đã xác định, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt với các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản đã được đề ra trong các Kế hoạch, Chương trình, đề án chuyên đề đã được Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành, đặc biệt là Quyết định số 2366/QĐ-UBND ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Đồng thời, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án, Chương trình, Kế hoạch chuyên ngành theo các lĩnh vực để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn năm 2023 theo từng cấp. Trong đó, đặc biệt quan tâm các công tác:

         Một là, Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

         Hai là, Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng sản phẩm và ngành hàng, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành.

         Ba là, Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát triển nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông nghiệp sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

         Bốn là, Thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đặc biệt theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2022-2023 để có kế hoạch điều tiết nước ngọt phục vụ sản xuất, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng và trục vớt lụt bình để khơi thông dòng chảy. Tập trung thực hiện tốt Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 22/11/2022 của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và lâm nghiệp năm 2023, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xuống giống theo lịch thời vụ, thường xuyên thăm đồng, thăm vườn phát hiện kịp thời sâu bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời, vận động người chăn nuôi tiêm phòng các loại vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng, phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh để bảo vệ cho đàn vật nuôi hạn chế dịch bệnh.

         Năm là, Phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách của trung ương và của tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. 

         Sáu là, Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án, nghị quyết về xây dựng nông thôn mới đã ban hành, trọng tâm là chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện nhanh hơn đời sống của dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP.

         Bảy là, Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; quản lý hiệu quả vốn đầu tư XDCB, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

         Tám là, Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp, chất lượng nông thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm.

         Chín là, Kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, hiện đại hóa công sở và phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

         Mười là, Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành đã được UBND tỉnh phân giao trong Chương trình số 89/CTr-UBND ngày 28/12/2022.

 

                                                                                     Đoàn Văn Minh

Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới