Hội thảo “Giới thiệu việc chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh”

       Tiếp theo Hội thảo giới thiệu trang thương mại điện tử “Cổng kết nối Cung-Cầu” triển khai số hóa mảng thông tin kết nối cung cầu các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn. Ngày 22/4/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh phối hợp VNPT Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Giới thiệu việc chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh” nhằm giới thiệu về chuyển đổi số trong nông nghiệp, từng bước thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Ngành Nông nghiệp về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 26/01/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

         Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng: Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp (cơ sở) trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo cơ sở để các cơ quan, đơn vị chức năng đưa ra giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh thúc đẩy cơ sở phát triển kinh tế số trong nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị trên nền tảng số,... 

Các sản phẩm từ dừa sáp của Vicosap (huyện Càu Kè)
 được hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc và đưa lên sàn
 Nông sản sạch Azuamua.com từ năm 2021

         Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính, gồm: Chuyển đổi số nông nghiệp tỉnh Trà Vinh và Báo cáo đề xuất kiến trúc và lộ trình xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tổng thể Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh. Ở nội dung thứ nhất, Hội thảo đưa ra 10 giải pháp cho Ngành Nông nghiệp, đó là: (1) Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp. (2) Nền tảng trao đổi tích hợp dữ liệu. (3) An toàn thông tin. (4) Chính quyến số của ngành nông nghiệp. (5) Kết nối cung - cầu nông sản. (6) Nông thôn thông minh. (7) Sản xuất nông nghiệp thông minh. (8) Thu hoạch, thu gom và chế biến. (9) Phân phối bán lẻ. (10) Truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, nhiều nội dung trong 10 giải pháp đã và đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, như: Truy xuất nguồn gốc, Kết nối cung - cầu nông sản,... nhưng chưa được hệ thống, còn phân tán, chưa tập trung hoặc có sự kết nối. Ở nội dung thứ hai, Hội thảo đưa ra lộ trình hoàn thiện hệ thống thông tin tổng thể Ngành Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh đến năm 2025 theo 03 giai đoạn/bước: Giai đoạn từ 2022-2023, xây dựng Nền tảng dữ liệu số. Giai đoạn từ 2023-2024, xây dựng Ứng dụng số nông nghiệp. Giai đoạn từ 2023-2025, xây dựng Nông nghiệp thông minh (IoT, giám sát, cảnh báo, dự báo). Mỗi giai đoạn có những nội dung hoạt động cụ thể.

Lộ trình hoàn thiện hệ thống thôn tin tổng thể Ngành Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh
 đến năm 2025 (Nguồn: Tài liệu Hội thảo)

         Để thực hiện chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, các đại biểu cho rằng tỉnh cần tập huấn số hóa dữ liệu (xây dựng Nền tảng dữ liệu số) cho cơ sở và có chính sách hỗ trợ cho nội dung này. Các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng dữ liệu phải trả phí, phí thu được dùng để hỗ trợ lại cho cơ sở. Đồng thời, phải phổ biến phần mềm số hóa dữ liệu rộng rãi đến cơ sở biết để thực hiện. Hiện tại, số liệu về nông nghiệp đã có và chủ yếu ở cơ sở, nên xem xét đưa từng phần số liệu đã có vào bước xây dựng Nền tảng dữ liệu số,…

         Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh xác định, sẽ lựa chọn và thực hiện chuyển đổi số một số sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số cho các sản phẩm khác. Phối hợp với chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong quá trình triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh được thống nhất, đồng bộ, có sự liên thông giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau. 

Sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng, sản phẩm an toàn và đạt OCOP
 của Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú)

         Được biết, theo Kế hoạch khảo sát xây dựng Đề án Chuyển đổi số Ngành Nông nghiệp và PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1236/QĐ-BNN-VP ngày 06/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT), Trà Vinh nằm trong 16 tỉnh dự kiến được lựa chọn để thực hiện Kế hoạch. Một trong nhiều nội dung của của Kế hoạch, là: Triển khai thí điểm các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quản lý các lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng trọt,… tại tỉnh. (và) Kịp thời hướng dẫn, nắm bắt nhu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và những khó khăn, vướng mắc, tồn tại của địa phương trong triển khai chuyển đổi số để có giải pháp khắc phục. Như vậy, Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh sẽ có thêm sự hỗ trợ để tiến hành chuyển đổi số về nông nghiệp, nông thôn.

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới