Hội nghị quản lý dịch hại tổng hợp sâu đầu đen hại dừa (Opisina arenosella Walker)

         Sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker) gây hại dừa trong tỉnh đang diễn biến rất phức tạp lây lan nhanh trên diện rộng. Toàn tỉnh đã phát hiện 15,12 ha diện tích tập trung tại các địa phương Càng Long 6,72 ha (xã Bình Phú: ấp Phú Phong 3; xã Huyền Hội: ấp Lưu Tư; xã Đại Phước: ấp Nhị Hòa và ấp Thượng); Tiểu Cần 8,4 ha (ấp Cao Một xã Tân Hòa). Trong thời gian qua Chi cục Trồng trọt và BVTV đã chủ động trong công tác phòng trừ, cơ bản đã kiểm soát được mật độ gây hại của sâu đầu đen trên các điểm xuất hiện. Để phòng trừ đối tượng này cần có giải pháp bền vững và an toàn cho môi trường.

         Trong 02 ngày 15-16/4/2022 Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Bến Tre tổ chức 02 cuộc Hội nghị quản lý dịch hại tổng hợp đối với Sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker) tại 02 huyện Tiểu Cần (xã Tân Hòa) và Càng Long (xã Đại Phước). Tham gia trong Hội nghị có Tiến sĩ Hồ Văn Chiến (nguyên GĐ Trung tâm BVTV phía Nam); Tiến sĩ Trần Tấn Việt (nguyên giảng viên Trường Đại Học Nông Lâm; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công,), đại diện Công ty Cổ phần XNK Bến Tre và có trên 130 nông dân trồng dừa của 02 xã tham dự, đây cũng là vùng nguyên liêu dừa hữu cơ liên kết với Betrimex.

                                                                 Ảnh: TS. Hồ Văn Chiến (bên phải), TS Trần Tấn Việt (bên trái)

         Trong buổi Hội nghị Tiến sĩ Hồ Văn Chiến và Trần Tấn Việt đã có những thông tin cho bà con tham dự về tổng quan sâu đầu đen hại dừa; phương pháp phòng trị trong thời gian qua trên thế giới và trong nước; kết quả ứng dụng tại tỉnh Bến Tre việc sử dụng ong mắt đỏ (Trichogramma sp) phòng trừ sâu đầu đen gây hại dừa do Dự án TTC và Betrimex tài trợ. Kết quả ứng dụng bước đầu rất khả quan, cơ bản trên các điểm thực hiện đã kiểm soát rất tốt sự gây hại của sâu đầu đen. 

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại xã Đại Phước, huyện Càng Long;
 diễn giả Tiến sĩ Hồ Văn Chiến trao đổi với bà con nông dân

         Để chia sẻ với bà con trồng dừa tỉnh Trà Vinh, Dự án sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng dụng ong mắt đỏ trong việc quản lý và phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng giải pháp sinh học trên 02 vùng nguyên liệu dừa hữu cơ 02 huyện Tiểu Cần (xã Tân Hòa) và huyện Càng Long (xã Đại Phước); với nguồn kinh phí của Betrimex và SRDC tài trợ và kế hoạch thực hiện trong 3 năm như sau:

         1. Năm thứ nhất 2022:

         - Hội thảo truyền thông về phương pháp phòng trừ sâu của Betrimex và SRDC:

         + Tại xã Tân Hòa tổ chức 15/4/2022;

         + Tại xã Đại Phước tổ chức 16/4/2022;

         - Phun dầu bsf (trích từ nhộng của ruồi lính đen đã được nhũ hóa) + vi khuẩn bt để hạn chế sâu phát tán: 1 lần/năm 2022;

         - Thả bổ sung Ong ký sinh trên vườn dừa bị gây hại: 6 lần/năm 2022;

         - Đánh giá định kỳ để có phương án xử lý kịp thời: 4 lần/năm 2022.

        2. Năm thứ hai 2023:

          - Thả bổ sung Ong ký sinh trên vườn dừa bị gây hại: 6 lần/năm 2023;

          - Đánh giá định kỳ để có phương án xử lý kịp thời: 2 lần/năm 2023.

        3. Năm thứ ba 2024:

         - Thả bổ sung Ong ký sinh trên vườn dừa bị gây hại: 6 lần/năm 2024;

         - Đánh giá định kỳ để có phương án xử lý kịp thời: 2 lần/năm 2024.

         Ngoài ong mắt đỏ, trong tự nhiên cũng có khá nhiều thiên địch như: Kiến vàng, bọ đuồi kìm (ăn sâu non), ong ký sinh sâu non (Bracon sp) ong ký sinh nhộng (Brachymeria sp), bọ xít hoa gai (Eocanthecona furcellata),… bản địa kiểm soát khá tốt mật số sâu hại trên một số loại cây trồng nói chung và nói riêng sâu đầu đen hại dừa. Hy vọng trong thời gian tới vườn dừa Trà Vinh sẽ kiểm soát tốt sâu đầu đen như đã từng quản lý rất hiệu quả bọ cánh cứng hại bằng biện pháp sinh học; bảo vệ năng suất, sản lượng dừa cho tỉnh nhà theo xu hướng an toàn và bền vững.

 

Th.S. Nguyễn Thị Lùng

                                                                      Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới