Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện thương mại điện tử

         Để ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 26/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 23/02/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp VNPT Trà Vinh tổ chức Hội thảo giới thiệu sàn thương mại điện tử  “Cổng kết nối Cung - Cầu” đến đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của VNPT Trà Vinh. Đồng chủ trì Hội nghị là ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Hồ Thanh Cao, Trưởng đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Giám đốc VNPT Trà Vinh.

Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

phát biểu khai mạc Hội thảo

         Hội thảo đã giới thiệu lợi ích của sàn thương mại điện tử “Cổng kết nối Cung - Cầu” và chức năng, cách thức triển khai,… Mục đích là để số hóa mảng thông tin kết nối cung cầu các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn, nhằm kết nối những sản phẩm nông nghiệp từ Nhà vườn - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra của nông sản, hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” diễn ra trong thời gian qua.

         Giao dịch trên sàn thương mại điện tử thì mọi khâu từ sản xuất - phân phối - tiêu thụ đều phải sự minh bạch, rõ ràng; sản phẩm đưa lên sàn phải đạt số lượng - chất lượng, số lượng - chất lượng phải ổn định. Nhưng, hiện tại sản xuất nông nghiệp của tỉnh phần lớn là nhỏ lẻ, khó đáp ứng về số lượng - chất lượng, bên cạnh đó là thiếu thông tin về sản phẩm. Giao dịch trên sàn thương mại điện tử còn khá mới, người dân chưa thật sự quan tâm nhiều; công tác xúc tiến thương mại điện tử của tỉnh còn hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19,... Vì vậy, tại Hội thảo, nhiều vấn đề được đặt ra, như: Làm thế nào để các cơ sở sản xuất đăng ký đưa sản phẩm lên sàn một cách thuận tiện nhất, cơ quan nhà nước quản lý được chất lượng nông sản đưa lên sàn vừa tạo niềm tin cho người tiêu dùng vừa bảo vệ cơ sở sản xuất; chính sách hỗ trợ khuyến khích cơ sở đưa sản phẩm lên sàn; hình thức thanh toán, vận chuyển, quản lý giao dịch trên sàn,…

         Qua giao dịch trên sàn thương mại điện tử “Cổng kết nối Cung - Cầu”, cơ quan nhà nước có thể xác định vùng sản xuất, mùa vụ, số lượng, sản lượng để từ đó định hướng điều tiết sản xuất, truy xuất nguồn gốc và nhất là quảng bá rộng rãi nhưng đồng thời cũng sẽ bảo vệ các thương hiệu nông sản của tỉnh. Dự kiến giai đoạn đầu, sàn thương mại điện tử “Cổng kết nối Cung - Cầu” ưu tiên hỗ trợ đưa lên sàn các sản phẩm OCOP và nông sản nổi tiếng của tỉnh; đồng thời sau khi đi vào hoạt động, sàn sẽ kết nối với các sàn thương mại điện tử khác, tạo thêm cơ hội cho nông sản của tỉnh được quảng bá rộng hơn.

         Trước đó, ngày 25/01/2022, Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giới thiệu giải pháp công nghệ hiện đại giám sát cảnh báo dự báo môi trường trên nền công nghệ 4.0 IoT AI GIS phục vụ nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp thông minh và phòng chống thiên tai. Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long đã và đang triển khai các giải pháp công nghệ tại một số tỉnh thuộc Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở các lĩnh vực như: Giám sát cảnh báo an toàn điện, giám sát cảnh báo ngập lụt, mạng lưới trạm quan trắc giám sát cảnh báo dự báo thiên tai, mạng lưới trạm quan trắc giám sát cảnh báo môi trường, bẫy côn trùng thông minh,...

         Khi triển khai thực hiện giải pháp công nghệ hiện đại được kỳ vọng sẽ giúp ứng dụng vào thực tiễn những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý giám sát cảnh báo và dự báo môi trường phục vụ phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát vận hành hệ thống online, quản lý tự động giám sát môi trường 24/7, giảm thiểu thiệt hại, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành khai thác, duy tu bảo trì bảo dưỡng; tiếp cận nền công nghệ tiên tiến đẳng cấp thế giới 4.0 IoT AI và GIS. Tuy vậy, với đặc thù của tỉnh, một số yêu cầu Tập đoàn đầu tư công nghệ Nam Long cần tập trung đầu tư vào phòng, chống thiên tai hạn mặn (cảnh báo độ mặn, cảnh báo sạt lở, điều khiển đóng cống ngăn mặn tự động khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép,…); nuôi trồng (cảnh báo dịch bệnh, thông tin kích cỡ phát triển của tôm, thông tin lượng thức ăn, thông tin mật độ nuôi,…), Bẫy côn trùng thông minh (thông tin về mật độ côn trùng, phân  loại côn trùng,…).

Sản phẩm Mật hoa dừa Sokfarm được hỗ trợ đưa lên sàn Nông sản sạch Azuamua.com từ năm 2021

         Ngoài ra năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smart Life hỗ trợ 08 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com theo Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 09/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, phối hợp Dự án SME Trà Vinh khảo sát, hỗ trợ đưa thêm 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở có sản phẩm đạt OCOP để đưa lên sàn Azuamua.com. Tiếp tục kết hợp Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (tại Trà Vinh) và các Sở, ban, ngành, địa phương hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên sàn thương mại điện tử Postmart (trong năm 2021, đã đưa được sản phẩm của 26 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở lên sàn Postmart).

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới