Hiệu quả từ mô hình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm quy mô hộ gia đình

         Từ lâu, ếch đã trở thành món ăn ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng hiện nay, nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu gia tăng, vì vậy trong những năm gần đây, phong trào nuôi ếch trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phát triển và mang lại lợi nhuận cao cho người dân, tập trung tại các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè  và Châu Thành. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ngày càng mạnh của nghề nuôi ếch, hiện nay vẫn còn một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất như: kỹ thuật nuôi của người dân chưa được đảm bảo; con giống không đảm bảo chất lượng, giá thành cao, tỷ lệ sống thấp,.…từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của người dân. Do đó, để ếch nuôi phát triển nhanh, chất lượng thịt ngon và đạt tỷ lệ sống cao thì cần áp dụng đúng kỹ thuật nuôi và cách phòng trị bệnh cho ếch. Ngoài ra, vấn đề tự chủ động được nguồn ếch giống bằng cách tự cho ếch sinh sản sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn về con giống và giảm chi phí cho người nuôi do việc sinh sản và ương ếch giống khá đơn giản và dễ làm so với các đối tượng thủy sản nuôi khác.

         Để khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất, từng bước giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, Hội Thủy sản và Làm vườn tỉnh Trà Vinh kết hợp với Hội Làm vườn huyện Cầu Kè thực hiện mô hình “Sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm quy mô hộ gia đình” tại ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè.

Ếch thương phẩm của mô hình

         Mô hình được thực hiện gồm 02 giai đoạn: Giai đoạn sản xuất giống được thực hiện trên 02 bể bạc (10m2/bể), gồm 01 bể đẻ và 01 bể ương. Ếch bố mẹ được bố trí cho đẻ với mật độ 05 cặp ếch bố mẹ/bể; mật độ ương nòng nọc lên ếch giống là 1.000 nòng nọc/m2, thức ăn được sử dụng trong quá trình ương là thức ăn công nghiệp (40% đạm), sau thời gian ương từ 45- 60 ngày, tỷ lệ sống đạt 50%, với giá bán ếch giống 1.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận 1.735.000 đồng; Giai đoạn nuôi thương phẩm: thực hiện nuôi trong 01 vèo (10m2), được bố trí thả nuôi với mật độ 100 con/m2, thức ăn được sử dụng là thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 28 – 40 % đạm, tùy từng giai đoạn phát triển của ếch để điều chỉnh thức ăn có hàm lượng đạm cho phù hợp. Sau thời gian nuôi 04 tháng tỷ lệ sống đạt  81 %; Hệ số thức ăn: 1,3; Cỡ thu: ≥ 0,25 kg/con, giá bán ếch thương phẩm 45.000đ/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 3.107.500 đồng.

         Như vậy, qua  07 tháng thực hiện, sau khi trừ chi phí, tổng lợi nhuận mô hình đạt gần 05 triệu đồng. So với các mô hình nuôi truyền thống thì mô hình “Sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm quy mô hộ gia đình” mang lại hiệu quả cao hơn cho người dân vì bên cạnh việc có thể giúp người nuôi chủ động được con giống, tạo ra nguồn con giống có chất lượng phục vụ cho nuôi ếch thương phẩm, từ đó nâng cao tỷ lệ sống và góp phần giảm chi phí cho giai đoạn nuôi ếch thương phẩm thì mô hình còn có thêm nguồn lợi nhuận từ việc bán ếch giống cho người dân có nhu cầu. Đồng thời việc cung cấp được con giống ngay tại địa phương vừa giúp các hộ nuôi thuận tiện vừa đảm bảo được sự phát triển tốt của ếch khi quen với môi trường.

          Để thực hiện việc ương và nuôi ếch thương phẩm có hiệu quả cần phải lưu ý các yếu tố như: đối với sản xuất giống, để có con giống tốt thì ếch bố mẹ được chọn phải là ếch khỏe mạnh, ếch từ một năm tuổi trở lên; trong thời gian ương giống cần phải hạn chế nước mưa vào bể ương, thường xuyên bổ sung men tiêu hóa và theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh cho ăn dư thừa gây ô nhiểm môi trường nước. Trong giai đoạn nuôi thương phẩm, thường xuyên phân cỡ để tránh tình trạng hao hụt do ếch ăn lẫn nhau, nên sử dụng một loại thức ăn trong suốt quá trình nuôi tránh thay đổi thức ăn đột ngột, cần phải lựa chọn kích cỡ thức ăn và hàm lương đạm cho phù hợp với sự phát triển của ếch. Có thể kết hợp nuôi cá hỗn hợp trong ao để tăng thêm thu nhập (Một số loài cá có thể nuôi kết hợp với ếch như: sặc rằn, cá rô, điêu hồng, hường, trê, rô phi,…).

          Đây là mô hình có tính khả thi cao, người dân nên ứng dụng đưa vào trong sản xuất vì vừa nâng cao hiệu quả kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất vừa mang lại hiệu quả bền vững cho người nuôi. Giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Mai Nguyên Gia Lâm

Tin mới