Kỹ thuật trồng đậu phộng vụ Thu Đông
         Trà Vinh với nhiều diện tích đất giồng cát không bị ngập trong mùa mưa thật sự là mảnh đất lý tưởng để phát triển cây đậu phộng trong vụ Thu Đông, trồng đậu phộng trong vụ này thường có giá bán rất cao. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao và gia tăng lợi nhuận, bà con cần áp dụng quy trình canh tác như sau:

 1. Chọn đất và cách trồng:
 
Do phải sản xuất trong mùa mưa nên cần chọn đất cao, thoát nước tốt, có thể tận dụng đất thừa xung quanh vuông nhà miễn là không bị quá che rợp hay gia súc phá hại.

Đất được cày xới 2 lượt, nhặt sạch cỏ dại rồi lên líp với chiều dài 5 - 10m tùy khu đất, mặt líp rộng 2 - 3m, lối đi 30cm làm rãnh thoát nước sâu 10 - 15cm, gieo hạt với khoảng cách 15 x 20cm.

Riêng đất trồng trong vuông nhà, đất tận dụng với diện tích nhỏ thì cần lên líp với mặt líp 40 - 45cm, dài tối đa 5m, rãnh 25 - 30cm làm lối đi lại và thoát nước tốt. Hột sau khi xử lý được gieo hai hàng dọc theo chiều dài líp hàng cách nhau 20cm, cây cách cây 10 - 15cm. Độ sâu lấp hạt từ 3 - 4cm.

2. Chọn giống:

Hiện nay, bà con nên sử dụng các giống đã thích nghi, đạt năng suất cao, được thị trường ưa chuộng như MD 7, Đậu Vồ để sản xuất.

Đậu sau khi tách vỏ nên chọn những hạt no tròn, loại bỏ hạt lép rồi đem ngâm ủ để thử độ nẩy mầm nếu đạt trên 85% thì có thể gieo trực tiếp, nếu thấp hơn thì cần ngâm 4 tiếng đồng hồ sau đó ủ 24 - 36 tiếng, chọn những hạt nẩy mầm đem gieo.


Nên chọn hạt chắc, loại bỏ hạt lép, thử độ nẩy mầm trước khi gieo trồng

3. Bón phân: 

- Bón lót: Khoảng 1 - 2 xe bò phân chuồng đã hoai, từ 30 - 40kg vôi bột + 50kg Super lân và 5 - 7kg N-P-K (20-20-15)/1000m2.

- Bón thúc lần 1: Sau khi đậu mọc đều (khoảng 7-10 ngày sau khi gieo hạt) bón 4 - 5kg Ure + 4 - 5kg DAP/1000m2.

- Bón thúc lần 2: Khoảng 18 - 20 ngày sau khi gieo hạt, bón 5 - 7kg Ure + 5kg Kali (phân dạng muối ớt chứa 60% K2O)/1000m2.

- Bón thúc lần 3: Khoảng 30 - 35 ngày sau khi gieo hạt, bón 30 - 40kg vôi bột/1000m2.

- Bón thúc lần 4: Khoảng 40 - 45 ngày sau khi gieo hạt, bón 5 - 7kg Kali/1000m2.

Riêng đối với đất tận dụng với diện tích nhỏ thì có thể giảm 50% lượng phân nêu trên và cần chia đều lượng phân này để bón theo líp trồng.

Chú ý lượng phân bón lót phải được bón ngay trước khi xới đất lần cuối để phân được chôn vào trong đất, tránh bị gió làm mất đi.

4. Tưới nước: Vì trồng trong mùa mưa nên rất ít khi phải tưới. Tuy nhiên, nếu trời nắng liên tiếp nhiều ngày thì cần tưới bổ sung nhất là giai đoạn đậu ra hoa để đậu phát triển tốt đạt năng suất cao.

5. Phòng trừ cỏ dại:

- Nếu đất trước khi trồng có nhiều cỏ dại thì cần phun thuốc gốc Carphosate trước khi cày xới khoảng 7 - 10 ngày với liều lượng theo chỉ dẫn nơi nhãn chai thuốc.

- Sau khi gieo hạt 1 - 2 ngày: Sử dụng thuốc diệt mầm Antaco 500 ND với liều lượng 50 ml/bình 16 lít nước, phun 03 bình/1000m2.

- Sau khi đậu lên 12 - 20 ngày: Nếu đất có nhiều cỏ một lá mầm như cỏ chỉ, cỏ mần trầu, cỏ ống, cỏ gạo,… có thể sử dụng thuốc trừ cỏ Targa super hoặc Onecide phun từ 2 - 3 bình 16 lít/1000m2.

6. Phòng trừ sâu bệnh: Đậu phộng trong mùa mưa thường ít gặp các loại sâu bệnh, tuy nhiên nếu có thì phòng trị  như sau:

- Con đuông: Nhặt kỹ trong những lần cày, xới. Có thể dùng từ 02 - 03kg Basudin 10H rãi trước khi xới lại lần cuối;

- Sâu ăn lá các loại, rầy mềm, rầy xanh: Sử dụng các thuốc thông thường gốc Abamectin hay Emamectin hoặc Virtaco, Vitashield,… để phun xịt;

- Bệnh chết cây con: Trộn hạt giống với Cruiser (chai 10ml/20 - 30kg hạt giống) hoặc Rhidomil Gold (gói 100g/40 - 50kg hạt giống), Topsin M,… để ngừa bệnh;

- Bệnh ghĩ sắt, đốm lá, đốm vằn: Sử dụng Tilt, Tilt Super hoặc Forlicur,… theo liều chỉ dẫn nơi nhãn thuốc.

Chú ý phải phun thật đều, lúc trời mát, ít gió, không mưa và phun 03 bình 16 lít/1000m2. Nếu sâu, bệnh nhiều cần phun lại lần 2 cách lần 1 khoảng 5 - 7 ngày.

Trang Tửng

Tin mới