Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa vùng ngập mặn
Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa vùng ngập mặn
              Trước đây, người dân ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải chỉ nuôi được một vụ tôm sú trong năm. Khi mùa mưa đến, người nuôi tôm tập trung cho công tác rửa mặn, cải tạo đất để chuẩn bị trồng vụ lúa trên đất vuông tôm vì thời điểm này con tôm sú không thích hợp phát triển trong môi trường nước ngọt. Trước tình hình đó, một số hộ đã mạnh dạn chọn hình thức nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.


           Khu vực nuôi tôm của gia đình ông Sơn Vọng

         Ông Sơn Vọng, ấp Kinh Đào, xã Long Vĩnh chính là một trong những nông dân đi đầu trong phong trào này. Nhận thấy nuôi tôm càng xanh cho lợi nhuận cao nên 3 năm nay, ông Vọng luôn chọn nuôi tôm càng xanh xen canh trong 10 công lúa của gia đình trong mùa mưa. Năm 2012, sau khi cấy lúa, ông thả 20.000 con tôm giống, sau khi thu hoạch lúa, ông thu hoạch tôm càng xanh hơn 30 triệu đồng với giá tôm loại I là 280.000 đồng/ký. Vụ này, ông tiếp tục thả 30.000 con tôm càng xanh giống, đến nay tôm đã được 3 tháng, phát triển khá tốt. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho biết: “Tui thấy làm mô hình này rất thuận lợi, đối với người nông dân khu vực địa bàn xã Long Vĩnh. Qua thu hoạch tôm sú thì mình mua tôm càng xanh thả nuôi kết hợp lúa, sau thu hoạch lúa thì tôm ăn hột lúa rụng xuống đó để mà phát triển”.


                                    Tôm sau 3 tháng nuôi của gia đình ông Sơn Vọng

              Sự phối hợp giữa việc nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa đã mang lại hiệu quả rất lớn, bởi lúa ít bị sâu bệnh, tôm càng xanh phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, đồng thời giảm đáng kể chi phí thức ăn cho tôm. Đồng thời tôm càng xanh là đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế, bởi giá tôm thương phẩm luôn đứng ở mức cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Song song đó, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cũng dễ hơn con tôm sú cho nên hiện tại trên địa bàn xã Long Vĩnh có 12 hộ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa với diện tích hơn 6ha. Ông Tăng Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh cho biết thêm: “Mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa của bà con rất có hiệu quả, bà con có lúa ăn, có tôm bán rồi có nguồn vốn xoay vòng trong vụ nuôi tôm sú tới. Bên cạnh đó hiệu quả nữa là cây lúa hút tạp chất của vụ tôm sú sau khi thu hoạch, cải tạo đáy ao rất tốt. Hướng tới của xã là sẽ nhân rộng mô hình này ra ở những nơi có điều kiện”.

              Tuy nhiên, vấn đề lo lắng lớn nhất hiện nay của bà con là chất lượng con giống, vì hiện nay bà con mua con giống ở khắp nơi, nguồn gốc không rõ ràng, chưa qua kiểm dịch, nên việc mở rộng sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Nếu được các ngành hữu quan lưu tâm thêm về vấn đề quản lý chất lượng con giống, quy hoạch vùng nuôi và quy định lịch thời vụ cụ thể, rõ ràng… thì đây sẽ là mô hình canh tác tốt, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích./. 

 Nhất Hoàng
Tin mới