Kỹ thuật nuôi heo rừng
         1. Chọn giống: Chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng to vừa phải, hông rộng, lông mịn, bốn chân chắc khoẻ, bộ phận sinh dục phát triển và hoạt động tốt.

          Trọng lượng lúc trưởng thành: Con đực 50-70kg, con cái 30-40kg. Vai thường cao hơn mông, đuôi nhỏ, ngắn, con đực có răng nanh phát triển mạnh, con cái có hai dãy vú, mỗi dãy có 05 núm vú phát triển và lộ rỏ.

         Tập tính sinh hoạt và môi trường sống: Nhút nhát; thính giác, khứu giác tốt; sinh hoạt theo bầy đàn (thường từ 3-5 con, heo đực thường sống một mình).



Heo rừng lai 3 tháng tuổi

         2. Chuồng trại:

Chuồng trại đơn giản, cách xa khu dân cư và đường lộ. Có thể nuôi heo rừng lai theo kiểu nhốt hoặc thả rông trong khu vực có cây xanh, có rào che chắn xung quanh. Vây lưới B40 thành các vườn nuôi tự nhiên, có móng kiên cố (do heo rừng lai hay đào hang). Mỗi vườn nuôi rộng 40- 50m2, trong đó có chuồng rộng 05-10m2 để nhốt riêng heo đực giống. Chuồng nuôi có mái che, cao trên 2,5m, nền đất, đảm bảo thông thoáng, mát mẻ, tránh mưa tạt, gió lùa.

         3. Phối giống: Tốt nhất cho heo rừng lai cái phối giống trực tiếp với heo rừng đực hoặc cho heo rừng lai cái phối giống với heo rừng lai đực để tạo ra con lai thương phẩm nuôi thịt.

Thời điểm phối giống thích hợp: Bỏ qua 01-02 lần động dục đầu tiên. Chu kì động dục là 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 03-05 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp vào cuối ngày thứ 02 hoặc đầu ngày thứ 03 (khi âm hộ chuyển từ màu hồng tươi sang màu hồng tái, dịch nhờn tiết ra nhiều, có phản xạ đứng im là thời điểm phối giống thích hợp nhất). Khi heo cái có dấu hiệu động dục ta cho heo đực vào chuồng heo cái hoặc ngựơc lại. Có thể cho phối kép vào lúc sáng sớm và chiều mát. Sau 21 ngày heo cái không lên giống thì heo đã có chữa.

           4. Chăm sóc, nuôi dưỡng

Giai đoạn 01 tháng trước khi sanh, heo mẹ cần được cung cấp đầy đủ và ổn định thức ăn tinh để tránh tình trạng heo con sinh ra bị xù lông, đổ ghèn, tiêu chảy, đi xiêu vẹo 02 chân sau.

Heo con mới sinh cần được ở trong môi trường khô ráo và đủ ấm. Heo con một tuần tuổi cần chích bổ sung sắt. Một tháng tuổi tập heo con ăn bằng thức ăn tinh, đến 1,5 tháng tuổi thì tách mẹ.

         5. Thức ăn và khẩu phần ăn:

Thức ăn chủ yếu là thức ăn xanh (chuối cây, rau muống, các loại cỏ...), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả, mầm cây, rễ cây các loại), muối khoáng (tro bếp, đất sét, hỗn hợp đá liếm…).

         Lượng thức ăn tuỳ thuộc vào giai đoạn nuôi heo rừng lai:

Giai đoạn

(tháng tuổi)

Trọng lượng (kg)

Lượng thức ăn

 (kg/ngày)

1

< 15

0,5 – 1

2

15 – 30

1 – 1,5

3

31 – 50

1,5 - 2

 
         
         Heo nái mang thai, đực giống 2,5kg thức ăn/ngày; heo nái nuôi con 4,5kg thức ăn/ngày.

         Khẩu phần thức ăn cho heo rừng lai: 50% là thức ăn xanh, 50% cám gạo, ngũ cốc các loại, hèm bia, bã đậu… Thỉnh thoảng bổ sung thêm đá liếm để cung cấp khoáng. Hằng ngày, bổ sung thêm nước sạch cho heo uống tự do.

         6. Phòng bệnh: Đảm bảo khẩu phần ăn đủ về số lượng lẫn chất lượng. Tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm. Sát trùng chuồng trại trong và ngoài khu vực nuôi. Định kỳ tẩy giun, sán (03 tháng một lần, trừ giai đoạn mang thai).

Một số bệnh thường xảy ra cho heo rừng:

         - Chấn thương: Do tranh giành thức ăn, vận động, dùng Vime-Iodine bôi lên vết thương. Trong trường hợp vết thương sâu, có thể khâu lại.

         - Bệnh đường tiêu hóa: Do nhiều nguyên nhân như thức ăn không phù hợp, nhiễm khuẩn đường ruột, ký sinh trùng. Cần xem bệnh do nguyên nhân nào để có liệu pháp điều trị thích hợp. Nếu đàn heo rừng được tẩy giun định kỳ thì kết hợp các loại thuốc sau: Vime C-Electrolyte 1g/2lít nước uống, Aralis 1ml/kg thể trọng/ngày, Vime-Flutin 1ml/5kg thể trọng/ngày, Coli-Norgent 1g/5kg thể trọng/ngày. Dùng liên tục 3-5 ngày.

         Trường hợp kèm theo sốt, bỏ ăn dùng thêm 01 trong các loại thuốc sau: Genta-Colenro 1ml/5-10 kg thể trọng hoặc Vime-Sone 1ml/5 kg thể trọng.

         - Bệnh ký sinh trùng ngoài da: Kết hợp các loại thuốc sau đây để điều trị:  Tiêm Vemectin 0,3%: 1ml/10kg thể trọng. Vime-Blue: Phun đều lên vết thương 02 - 03 lần/ ngày.

Tiền Giang
Tin mới