Lịch xuống giống lúa vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014


 UBND TỈNH TRÀ VINH

         CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

             Số:   428/SNN-KT

                Trà Vinh, ngày 31 tháng 10  năm 2013


 

 THÔNG BÁO

Lịch xuống giống lúa vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014

                      

     Căn cứ Thông báo số 4659/TB-BNN-VP ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Chỉ đạo sản xuất lúa Đông Xuân 2013 - 2014;

          Căn cứ tình hình thực tế sản xuất tại tỉnh Trà Vinh, trên cơ sở bố trí thời vụ lúa Đông Xuân 2013 – 2014 có tính toán hợp lý cho các vụ lúa còn lại trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh,                  

          Để đảm bảo cho việc sản xuất lúa Đông Xuân năm 2013 - 2014 đạt thắng lợi, tránh tình trạng bị thiệt hại do hạn mặn cuối vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh thông báo lịch xuống giống lúa vụ Đông Xuân năm 2013-2014 như sau:

          1. Bố trí lịch thời vụ

          Sau khi thu hoạch lúa Thu Đông - Mùa 2013 phải tiến hành ngay việc vệ sinh đồng ruộng. Cày phơi đất tối thiểu 2 tuần để cải thiện cấu trúc đất tránh ngộ độc hữu cơ và cắt đứt vòng đời sâu, bệnh hại.

Khung thời vụ chung cho toàn tỉnh: xuống giống từ ngày 15/11/2013 đến ngày 30/12/2013, tập trung vào 02 đợt chính như sau:

           - Đợt I: Từ ngày 15/11/2013 đến 25/11/2013;

Đợt II: Từ ngày 15/12/2013 đến 30/12/2013, tập trung xuống giống dứt điểm các xã có sản xuất lúa Đông Xuân còn lại trong toàn tỉnh.

 Riêng 1 số xã của huyện Càng Long và Cầu Kè do điều kiện đặc thù có thể xuống giống sớm hơn nhưng phải bảo đảm tập trung và đồng loạt trên từng cánh đồng.

2. Cơ cấu giống lúa

- Bộ giống chủ lực gồm: OM6976, OM4900, OM5451, OM6162;

- Bộ giống bổ sung gồm: OM8017, OM10636, OM6932;

          - Bộ giống triển vọng gồm: OMCS10434, TV 3, TV 13, OMCS 2012.

Riêng các giống IR50404, OM576 (Hàm Trâu) và Cửu Long 8,... không nên vượt quá 20% diện tích của địa phương.

 3. Các giải pháp kỹ thuật

- Xác định lịch thời vụ gieo sạ cụ thể: Từ khung thời vụ chung cho toàn tỉnh nêu trên, các địa phương chỉ đạo lịch thời vụ cụ thể, tập trung cho từng ấp, khóm, xã, phường. Trong từng đợt xuống giống phải đảm bảo dứt điểm trong vòng 03 ngày trên toàn ấp, khóm. Không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa;

- Thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng: Các địa phương tập trung chỉ đạo vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa Thu Đông – Mùa, đảm bảo có thời gian giãn cách 2 vụ lúa ít nhất 02 tuần nhằm tạo độ thông thoáng tránh ngộ độc hữu cơ và cắt nguồn sâu, bệnh hại;

- Các biện pháp quản lý nước: Hướng dẫn áp dụng tưới nước tiết kiệm và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế;

- Giám sát dịch bệnh: Chú ý các đối tượng gây hại chính có thể xuất hiện là bệnh đạo ôn, nhện gié, cháy bìa lá (nhiễm khuẩn) và chuột. Tăng cường theo dõi diễn biến rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá để chủ động phát hiện và phòng trị tốt ngay từ đầu vụ.

4. Tổ chức thực hiện

Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở: Kết hợp với các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nông dân tuân thủ xuống giống đúng lịch thời vụ và thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật. Cụ thể:

- Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư: Tiếp tục tập huấn các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa giống, mô hình tưới tiết kiệm nước. Khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng giống lúa cấp xác nhận;

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra  phát hiện sớm dịch bệnh. Hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Hỗ trợ các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và nông dân  trong việc kiểm định chất lượng lúa giống. Phối hợp các địa phương tiếp tục thực hiện việc xây dựng cánh đồng sinh thái, cánh đồng mẫu lớn với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, thu mua tiêu thụ sản phẩm lúa gạo theo kế hoạch đã đề ra;

- Trung tâm Giống nông nghiệp: Tiếp tục khảo nghiệm chọn lọc các giống mới, đẩy mạnh mạng lưới nhân giống trong cộng đồng, cung cấp đủ nguồn giống đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất theo yêu cầu của các địa phương;

- Công ty QL-KTCCT thuỷ lợi: Căn cứ vào lịch xuống giống, kết hợp chặt với các địa phương để có kế hoạch vận hành cống, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, cung cấp đủ nước ngọt phục vụ sản xuất.

- Đề nghị UBND các huyện và thành phố Trà Vinh: Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ngành đoàn thể,... tăng cường tuyên truyền, phát động nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng sinh thái theo kế hoạch; hướng dẫn lịch thời vụ cụ thể trên địa bàn ấp khóm, xã, phường, thị trấn đảm bảo sản xuất thắng lợi.

Đối với các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng mặn, những chân ruộng trồng lúa bấp bênh do thiếu nước, năng suất thấp, hiệu quả không cao cần kiên quyết vận động và hướng dẫn nông dân chuyển sang trồng các cây rau, màu khác sử dụng ít nước hơn như bắp, dưa hấu, rau đậu các loại./.

 

Nơi nhận:

- UBND tỉnh (b/c);

- UBND các huyện và tp Trà Vinh (phối hợp chỉ đạo);

- Cục TT, cục BVTV (b/c);

- GĐ, các PGĐ Sở;

- Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở (thực hiện);

- Phòng NN-PTNT các huyện, phòng KT tp TV (thực hiện);

- Đài PTTH, Báo Trà Vinh (đưa tin);

- Lưu: VT, KT.

GIÁM ĐỐC

 

 

(đã ký)

 

 

 

    Trần Trung Hiền

Tin khác
1 2 3 4 
Tin mới