Một số biện pháp quản lý và phòng, trị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi

         Trong những năm gần đây, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi đang gây hại khá nghiêm trọng, tại một số huyện có diện tích trồng chủ lc của tỉnh như: Cầu , Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần. Bệnh đã lây lan, gây hại nặng và ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển, làm giảm năng suất đáng kể gây thiệt hại đến kinh tế của người dân.

          Tác nhân gây bệnh

         Bệnh vàng lá thối rễ rất khó phát hiện sớm do bệnh phần lớn bắt nguồn từ rễ.  Nấm gây bệnh từ đất (Fusarium, Phytophthora, Pythiumngoài ra có thể có cả tuyến trùng chích hút,…) được xác định là tác nhân gây bệnh phổ biến. Nấm xâm nhiễm, gây hại là làm cho rễ và các tế bào mạch dẫn của cây không còn khả năng hút nước và chất dinh dưỡng từ trong đất. Vì vậy mà các triệu chứng của bệnh nấm đất gây ra thường rất giống nhau, đều gây hiện tượng cây còi cọc, lá bị vàng và rụng, dần dần chết cây.

          Nấm gây bệnh từ đất có khả năng sinh trưởng, phát triển ở nhiệt độ từ 5oC - 35 0C, nhưng thích hợp nhất là 25oC - 28 0C; đất bị chua (pH từ 3,9 - 4,5). Bệnh thường phát sinh trong mùa mưa lũ hoặc sau khi siết nước xử lý ra hoa trái vụ và thường biểu hiện gây hại nghiêm trọng vào đầu mùa nắng.

         Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh vàng lá thối rễ

          - Đất canh tác lâu năm; đất bị sét nặng; chai cứng và nén; đất bị chua (pH từ 3,9-4,5), đất ít bón vôi, sử dụng nhiều phân hóa học; đất ít sử dụng phân hữu cơ.

        - Cây trồng trên mô thấp, nhỏ; mực thủy cấp trong mương, vườn cao hoặc mô bồi đất bít gốc làm rễ thiếu oxy; cây có bộ rễ suy yếu do siết nước xử lý ra hoa vào mùa nắng làm cây thiếu nước một số rễ khỏe ăn sâu, khi mùa mưa đến thì thoát nước không kịp, làm cho rễ bị ngập nước dẫn đến đầu chóp rễ và lông hút bị hư thối.

         - Khai thác trái quá mức, đặc biệt sử dụng các chất kích thích sinh trưởng (NAA, IAA, 2,4-D), chế phẩm kích thích ra hoa trái vụ (Paclobutrazol kết hợp ThiOu Urea, MKP và KNO3) ở liều lượng khá cao, cùng với việc siết nước xử lý ra hoa làm cho bộ rễ nhanh lão hóa và phá vỡ cấu trúc đất, các vi sinh vật đối kháng có ích trong đất bị tiêu diệt, cây suy yếu tạo điều kiện nấm bệnh có cơ hội dễ xâm nhập và gây hại nặng.

          Triệu chứng gây hại

          - Trên  lá: Biểu hiện bệnh ban đầu chỉ xuất hiện trên 1-2 cành cây, khi cây mới phát bệnh kích thước lá vẫn bình thường, nhưng gân lá già có màu vàng nhạt, phiến lá chuyển sang màu vàng cam, lúc đầu rải rác từng lá càng về sau càng nhiều. Lá dễ rụng khi có gió hoặc lấy tay rung nhẹ thân cây; bệnh càng nặng lá vàng và rụng càng nhiều; chất lượng trái kém và bị rụng sớm.

         - Trên rễ: Các rễ ngay phía cành bị bệnh thối có màu nâu, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Rễ mất khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng nuôi cây làm cành bị chết khô. Khi bị bệnh nặng tất cả các rễ đều bị thối và cây chết. Ngoài ra bệnh có thể tấn công ngay phần cổ rễ.

Bệnh vàng lá thối rễ cây cam

           Một số biện pháp quản lý và phòng, trị bệnh vàng lá thối rễ

           Để khắc phục và phòng trị bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi, khuyến cáo một số giải pháp sau đây:

         * Biện pháp quản lý:

         - Đất trồng cây có múi phải cao ráo, thoát nước tốt. Nếu trồng trên vùng đất thấp nên lên mô cao và có bờ bao (cống, bọng) để kiểm soát nước trong mùa mưa.

         - Chọn cây giống sạch bệnh, tuyệt đối không nhân giống từ vườn đã có cây bị bệnh.

        - Hàng năm, nên cung cấp thêm vôi xung quanh gốc; vào cuối mùa nắng nên quét vôi vào gốc khoảng 50cm để sát khuẩn, ngăn ngừa nấm bệnh, một phần nâng pH của đất, hạn chế nguồn bệnh tăng sinh khối tại chỗ; đồng thời giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

          - Tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoặc hữu cơ khoáng, cân đối bón việc phân hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất; có thể bổ sung nấm đối kháng Trichoderma (10 – 20 g/gốc) nhằm tạo điều kiện để tăng sinh khối vi sinh vật có ích, giúp đối kháng và tiêu diệt các loài nấm bệnh lưu tồn trong đất. 

          - Ngoài ra, vào mùa khô nên xử lý thuốc trừ tuyến trùng, rệp sáp đất và nhện gây hại quanh vùng rễ.

         - Khi cây còn nhỏ, thường xuyên tỉa cành, tạo tán, cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh.

        - Cắt bỏ các cành bị bệnh nặng mang ra khỏi vườn và tiêu hủy ngay, nhằm giảm áp lực lên bộ rễ, giảm sự thoát hơi nước,… do rễ trong tình trạng không hấp thụ được nước và dinh dưỡng nuôi cây. Cắt từ đỉnh đọt xuống 2 đến 3 mắt lá để cây dễ ra chồi mới. Trường hợp cây đang ra bông hoặc trái nên loại bỏ hết các phần này nhằm giúp cây mau phục hồi. Nhổ bỏ những cây bị bệnh nặng không có khả năng phục hồi ra khỏi vườn và tiêu hủy.

         - Thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm triệu chứng gây hại của bệnh, chủ động và xử lý ngay tránh lây lan diện rộng.

        * Biện pháp phòng, trị bệnh vàng lá thối rễ

         - Cung cấp oxy cho đất bằng cách xới xáo nhẹ lớp đất mặt xung quanh tán cây, tạo độ thông thoáng, tơi xốp cho đất ở vùng gốc giúp vi sinh vật phát triển tốt hơn; rải vôi bột để khống chế mầm bệnh hiện diện trong đất và nâng độ pH trong đất. Sử dụng thuốc trừ nấm (Mancozeb, Metalaxyl, Cholorothalonil, Fosetyl Aluminium,…); thuốc trừ rệp sáp và tuyến trùng hại rễ bằng cách tưới vào gốc (kể cả nơi cây bị bệnh đã nhổ bỏ) khuyến cáo 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 -5 ngày.

         - Sử dụng phân kích ra rễ tưới theo hình tán cây để bộ rễ tơ mới phát triển (khuyến cáo sử dụng 01 lần/tuần)

         - Thường xuyên tưới nước đủ ẩm cho cây trong những ngày nắng nóng, khô hạn; sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng và phân NPK tổng hợp hàng tháng để làm tăng thêm hệ vi sinh vật đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng khống chế mầm bệnh hiện tồn tại trong đất tại vườn.

        - Sau các trận mưa lớn cần thoát nước tốt, hạn chế tổn thương rễ do úng nước.

         - Trong những ngày nắng nóng kéo dài hoặc mùa nắng nên tưới nước cho vườn đủ ẩm giúp cho bộ rễ phát triển tốt.

  Ành: Xới gốc khi cây bị bệnh vàng lá thối rễ          Ành: Cây phục hồi sau khi khắc phục bệnh vàng lá thối rễ

 

             Lưu ý: Khi phun thuốc hóa học, luôn phải sử dụng các dụng cụ bảo hộ và tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

 

         Tài liêu tham khảo:

            Cục Bảo vệ thực vật (2007).” Nhận dạng sâu, bệnh và thiên địch trong vườn cây có múi”, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Tp Hồ Chí Minh.

                Nguyễn Thị Thu Cúc, Phạm Hoàng Oanh và Hồ Văn Chiến (2006b). Dịch hại trên cây có múi, 94-113. Trong sách: Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây có múi-Hướng dẫn sinh thái, chủ biên : Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Thị Thu Cúc và Trần Văn Hai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Cục Trồng trọt, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Tp Hồ Chí Minh. 219 trang.

https://www.hoptri.com/quy-trinh-giai-phap/cay-co-mui/bien-phap-phong-tru-benh-vang-la-thoi-re-tren-cay-co-mui

https://vuonsinhthai.com.vn/benh-vang-la-thoi-re-la-gi-cach-khac-phuc-va-phong-tri-hieu-qua-benh-gay-hai-tren-cay-co-mui.html

https://bnews.vn/cach-ngua-hieu-qua-benh-vang-la-thoi-re-o-cay-co-mui/131841.html

http://nongnghiepthuanthien.vn/dac-tinh-cua-nam-phytophthora-gay-benh-vang-la-thoi-re/

https://www.aciar.gov.au/sites/default/files/legacy/node/10408/MN129a%20Part%205.pdf

https://tailieu.vn/doc/benh-ly-thuc-vat-cach-gay-hai-cua-mam-benh-1482123.html

https://nongnghiep.vn/cach-xu-ly-hien-tuong-cay-co-mui-bi-vang-la-thoi-re-d242601.html

 

Th.S Nguyễn Thị Lùng

                                                                 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

 

Tin khác
1 2 3 
Tin mới