Trà Vinh triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dại

         Theo kết quả xét nghiệm ngày 03/9/2020 của Chi cục Thú y vùng VI (thành phố Hồ Chí Minh), đã phát hiện vi rút Dại ở (một con) chó tại phường 1, thành phố Trà Vinh. Trước khi chết, chó đã có biểu hiện thần kinh, bỏ ăn, lè lưỡi, cắn hai con chó khác và cắn hai người (một em bé, một người lớn). Như vậy, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Trà Vinh có 07 trường hợp chó nghi hoặc mắc bệnh Dại tại huyện Châu Thành, huyện Cầu Kè, huyện Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh. Trong đó, có 03 trường hợp chó xét nghiệm dương tính với vi rút Dại (tại: phường 1 và phường 2, thành phố Trà Vinh; xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành).

         Ở Khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2019 đến nay, phát hiện 27 chó, mèo dương tính với vi rút Dại, gồm: tỉnh Cà Mau 22 trường hợp, tỉnh Kiên Giang 02 trường hợp, tỉnh Bạc Liêu 01 trường hợp và tình Trà Vinh 02 trường hợp (chưa kể trường hợp tại phường 1 đã nêu trên).

         Về bệnh Dại ở người, năm 2017 tỉnh Trà Vinh có một người mắc bệnh Dại tại huyện Trà Cú. Trên phạm vi cả nước, từ năm 2017 đến tháng 7/2020 có khoảng 262 người chết. Riêng năm 2020, ghi nhận 48 người chết do bệnh Dại tại 22 tỉnh, thành phố, cao hơn so cùng kỳ năm 2019 (04 người). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh Dại có chiều hướng gia tăng trong năm 2020. Nguyên nhân gia tăng số người chết do bệnh Dại và số lượng chó, mèo dương tính vi rút Dại là do các địa phương chưa tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y về quản lý, phòng, chống bệnh Dại; chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ 12 giải pháp trong Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021.

         Theo số liệu của website nhachannuoi.vn (2020), tỉnh Trà Vinh có 163.663 con chó. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chuyên môn đã tổ chức rà soát, thống kê và cấp sổ quản lý được 108.404 con chó (đạt 66,24% tổng đàn) của 65.639 hộ. Về công tác tiêm phòng vắc xin Dại, năm 2019 tiêm được 15.298 liều/116.728 liều theo kế hoạch (đạt 13,11%), năm 2020 (tính đến tháng 8/2020) tiêm được 13.505 liều/166.193 liều kế hoạch (đạt 8,13%). Kết quả tiêm phòng đạt quá thấp so với quy định. Để phòng, chống bệnh Dại chó thì tỷ lệ tiêm phòng phải đảm bảo đạt ít nhất 70% tổng đàn.

         Cũng cần nhắc lại, bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở động vật máu nóng gây ra do vi rút LyssaVesiculo thuộc họ Rhabdoviridae. Động vật sau khi nhiễm vi rút Dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài, độc lực của vi rút và vị trí vết cắn. Vi rút xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng trước 10 ngày phát bệnh, vi rút có thể gây nhiễm cho người và động vật khác. Vi rút Dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã. Khi động vật khi đã có triệu chứng của bệnh Dại (kể cả người khi đã lên cơn dại) thì chưa có thuốc điều trị. Biện pháp phòng bệnh Dại đối với chó, mèo là định kỳ tiêm phòng vắc xin Dại; ở người khi bị chó, mèo, động vật cắn, quào,… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm huyết thanh.

Khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh hiện nay đó là: tình trạng chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm ở nơi công cộng còn phổ biến gây khó khăn trong công tác quản lý, tiêm phòng và lập danh sách hộ nuôi chó ở các địa phương. Về tiêm phòng vắc xin Dại, người nuôi chó chưa tích cực hưởng ứng, nhất là ở vùng nông thôn.

 

Chó thả rông không đeo rọ mõm

         Để khẩn trương tổ chức kiểm soát tốt bệnh Dại, ngày 07/8/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị (số 5277/CT-BNN-TY ngày 07/8/2020) đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó, phòng, chống bệnh Dại theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y. Trong nhiều giải pháp, như: khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin, tuyên truyền, giám sát xử lý vi phạm,… thì giải pháp đối với chó nuôi là: “tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại; yêu cầu các hộ nuôi cho cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, đăng ký chó nuôi, tiêm phòng vắc xin cho chó, chấp hành việc xích, nhốt; khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải đeo mõm cho chó theo quy định”. Lưu ý: Chủ nuôi chó không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng; trường hợp không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng cũng bị phạt với số tiền tương tự.

         Thực hiện Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước diễn biến bệnh Dại chó trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 983/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 và phê duyệt Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tại Quyết định số 2442/QĐ-UBND ngày 18/6/2018. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cũng lưu ý các địa phương tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi đảm bảo phải đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh quyết định thành lập Đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh để “kiểm tra việc xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại tại địa phương. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các giải pháp phòng bệnh Dại ở người và điều tra các trường hợp cho Dại cắn gây thương vong trên người (nếu có). Kiểm tra công tác rà soát, thống kê, quản lý và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại cho đàn chó nuôi tại các huyện, thị xã, thành phố.[i].

 



[i] Bài viết sử dụng số liệu, thông tin trích dẫn từ nguồn: Phụ lục 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Báo cáo số 265/BC-CCCNTY-QLDB ngày 13/8/2020 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y công tác phòng, chống dịch bệnh Dại chó trên địa bàn tỉnh Trà Vinh 8 tháng đầu năm 2020; Báo cáo số 285/BC-CCCNTY-QLDB ngày 04/9/2020 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tình hình bệnh Dại chó trên địa  bàn phường 1, thành phố Trà Vinh; Chỉ thị số 5277/CT-BNN-TY ngày 07/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật; Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc thành lập Đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh; Mai Hiền (2019), 86 người chết vì bệnh dại trong năm 2018. https://plo.vn/suc-khoe/86-nguoi-chet-vi-benh-dai-trong-nam-2018-817114.html, truy cập ngày 09/9/2020; 54 người tử vong vì bệnh dại trong 9 tháng đầu năm, https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/54-nguoi-tu-vong-vi-benh-dai-trong-9-thang-dau-nam-162201618.htm, truy cập ngày 09/9/2020; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

 

Văn Đoái

 

Ngày đăng: 11/9/2020

Tin khác
1 2 3 
Tin mới