Ảnh hưởng phèn, mặn lên bệnh đạo ôn hại lúa vụ Hè Thu 2020 và biện pháp quản lý - phòng trừ

         Vụ Hè Thu 2020 tính đế cuối tháng 6/2020 diện tích xuống giống 69.309,20 ha đạt 92,41 % so với kế hoạch xuống giống. Giai đoạn sinh trưởng của cây lúa chủ yếu là giai đoạn lúa mạ và đẻ nhánh chiếm 68,52% so với diện tích xuống giống. Đây là giai đoạn trên cây lúa rất mẫn cảm với tất cả các dịch hại gây hại trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đạo ôn. Trên thực tế thời gian xuống giống của các vùng (huyện) của tỉnh chênh lệch từ 2-2,5 tháng so với vùng chủ động nguồn nước và vùng phụ thuộc vào nước mưa.

         Qua số liệu ghi nhận thực tế ngoài đồng ruộng diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông có trên 1.820 ha, tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 10 - 20%, cục bộ có trên 42 ha với tỷ lệ nhiễm 20- 70%; tập trung huyện Tiểu Cần (xã Hiếu Tử, Hiếu Trung, Tập Ngãi, Phú Cần); huyện Cầu Ngang (xã Nhị Trường, Trường Thọ, Hiệp Hòa, Kim Hòa); huyện Trà Cú (xã Phước Hưng, Tập Sơn, Tân Hiệp Long Hiệp) và một số  xã của huyện Châu Thành. Hiện tại các giống lúa nhiễm đạo ôn nặng như OM 18 (cấp 5-9); OM 4218 (cấp 5- &); OM 6976, IR 50404;... 

                                                                                           Ruộng bị nhiễm đạo ôn trên giống lúa OM 18      Ruộng bị nhiễm đạo ôn nặng (tỉa dặm)

 

         Nguyên nhân bệnh cháy lá gây hại nặng: Do ảnh hưởng của mặn xâm nhập vào nội đồng vụ Đông Xuân 2019 - 2020 với nồng độ mặn và thời gian đất bị nhiễm mặn cao hơn so với vụ Đông Xuân 2015 - 2016; mùa mưa đến trễ hơn so với những năm trước, nguồn nước và chất lượng nước không đáp ứng đủ cho việc rửa phèn và mặn ngay đầu vụ Hè Thu, cây lúa bị ngộ độc mặn và phèn làm cho bộ rễ bị hư rất nặng không có khả năng phục hồi; bà con nông dân bón quá thừa đạm ở giai đoạn đầu cây lúa; một số ruộng xử lý thuốc trừ cỏ (cỏ lá rộng) làm cây lúa thêm suy kiệt bệnh bộc phát mạnh khi đủ các yếu tố gây hại. Đặc biệt là trên ruộng tỉa dặm thiệt hại trên 80 % (do rễ lúa bị tổn thương khả năng phục hồi rất kém).

Rễ lúa bị hư do mặn và phèn                                          Rễ bị thối và hư hoàn toàn                     

 

         Để quản lý và phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa vụ Hè thu 2020 cần khẩn trương thực hiện giải pháp như sau:

         - Tận dụng nguồn nước hiện có cần tháo rửa phèn, mặn nhằm hạn chế cây lúa ngộ độc.

         - Bón hoặc phun vôi với liều lượng 50-100 kg/1.000 m2, nhằm giải phóng muối (Na+) ra khỏi keo đất tạo thuận lợi cho việc rửa mặn, phèn giúp cây lúa hạn chế độc khi bệnh đang gây hại nặng.

         - Song song với việc rửa mặn, phèn cần tiến hành xử lý ngay bệnh đạo ôn bằng các loại thuốc đặc trị, tránh sự lây lan và gây hại nặng thêm. Trường hợp áp lực bệnh cao (vết bệnh nhiều và khô chậm kết hợp trời âm u, mưa...) nên phun thuốc lặp lại lần 3-5 ngày sau.

          - Sau khi vết bệnh đã khô, trên lá không còn xuất hiện các vết bệnh mới tiến hành bổ  sung các dạng phân bón hữu cơ hoặc các dạng phân bón qua lá kích thích ra rễ như Super Humic, Comcat 150 WP, Atonik 1.8 SL, Risopla,... kết hợp với việc bón lân và kali nhằm giúp cho cây lúa mau phục hồi.

         - Khi cây lúa đã phục hồi (ra rễ mới) và phát triển trở lại có thể sử dụng phân bón NPK bón theo giai đoạn của cây lúa và theo hướng dẫn.

         * Một số hoạt chất thuốc BVTV khuyến cáo trong phòng trừ bệnh đạo ôn:

           Nên sử dụng hoạt chất thuốc BVTV  đặc trị bệnh đạo ôn như sau:

          - Hoạt chất Tricyclazole: Beam 75 WP, Trizole 75 WP, Flash 800 WG, Bimusa 800 WP, Beamsuper 750WP...);

          - Hoạt chất Isoprothiolane: Bump 650 WP, Ninja 35 EC, Fuan 40 EC, Fujione 40 EC, Lumix 40 EC,...

          - Hoạt chất Fenoxanil: Taiyou 20SC, Feno super 265 WP, Sako 25 WP, MapFamy 700 WP,...

          Ngoài ra, có thể sử dụng một số hoạt chất khác với các sản phẩm thuốc BVTV đặc trị bệnh đạo ôn lá.

         * Riêng đối với lúa giai đoạn đòng - trổ:

Bệnh đạo ôn xuất hiện giai đoạn đòng - trổ có thể kết hợp các hoạt chất thuốc BVTV nhằm tăng hiệu quả trong phòng trừ bệnh: Tricyclazole+ Isoprothiolane; Tricyclazole+ Fenoxanil ; Tricyclazole + Propiconazole.

         * Lưu ý:

         - Phun thuốc BVTV cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

         - Tuyệt đối không phun chất kích thích sinh trưởng, ngưng ngay việc bón urea trong ruộng bị nhiễm đạo ôn.

         - Không tỉa dặm khi bệnh đã xuất hiện trong ruộng (tạo cơ hội bệnh lây lan rộng).

                                                                              Th.S. Nguyễn Thị Lùng

                                                                       Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Tin khác
1 2 3 
Tin mới