Chủ động phòng, chống bệnh do vi rút mới Decapod iridescent virus 1 (DIV1) trên tôm nuôi

         Theo Mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng Châu Á - Thái Bình Dương (NACA),  bệnh do vi rút mới có tên là Decapod iridescent virus 1 (DIV1) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ tại tỉnh Phúc Kiến, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh tại một số tỉnh của Trung Quốc. Tháng 02/2020, bệnh xuất hiện trở lại tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và gây ảnh hưởng cho khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này. Vi rút lây nhiễm cho tôm nuôi ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và được phát hiện gây bệnh trên một số loài tôm biển, tôm nước lợ và tôm nước ngọt; hiện nay, đã phát hiện một số loài cảm nhiễm vi rút DIV1, bao gồm: Tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm đất hay tôm hùm nước ngọt, tôm càng sông hay tôm chà và tôm gai, tôm sú hoang dã ngoài tự nhiên vùng biển Ấn Độ Dương cũng được báo cáo là dương tính với vi rút DIV1. Trong thực tế, phân bố của vi rút DIV1 trên thế giới có thể rộng hơn nhiều do chưa được điều tra cụ thể.

         Tôm bị bệnh có biểu hiện lờ đờ, mất khả năng bơi, ở giai đoạn cuối thường chìm xuống đáy và chết, tôm chết hàng ngày, tỉ lệ chết lũy kế trong ao có thể lên tới 80%; thời gian gây chết 50% ao trong thực nghiệm là 8,11±0,81 ngày, gấp hai lần so với virus gây bệnh đốm trắng (WSSV). 

Dấu hiệu tôm thẻ nhiễm DIV1

         Bệnh do DIV1 đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh. Để phòng, chống dịch bệnh, trước mắt cần thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2016.

         Hiện nay, chưa có thông tin về bệnh do DIV1 xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh do DIV1 xâm nhập và gây thiệt hại đối với tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 853/SNN-CNTY ngày 19 tháng 5 năm 2020, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền đến người nuôi về tính chất nguy hiểm, lây lan và các biện pháp phòng ngừa bệnh do DIV1 (nội dung tuyên truyền theo Hướng dẫn phòng, chống bệnh do DIV1 trên tôm nuôi ban hành kèm theo Công văn số 736/TY-TS ngày 11/5/2020 của Cục Thú y) để nâng cao nhận thức của người nuôi và cộng đồng nhằm ngăn chặn hiệu quả bệnh do DIV1 xâm nhập và gây thiệt hại đối với tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ chủ động phối hợp với địa phương triển khai công tác giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; tham mưu giải pháp kiểm soát nhập tôm bố mẹ, tôm giống; thực hiện điều tra dịch tễ học của bệnh DIV1 ở một số vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của tỉnh; tham gia các lớp tập huấn do Cục Thú y, Chi cục Thú y Vùng VII tổ chức, về phương pháp xét nghiệm, quy trình chẩn đoán bệnh do DIV1, để chủ động ứng phó và hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh do DIV1 đạt hiệu quả.

Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi tại huyện Duyên Hải

 

                                                      Tin, ảnh Trần Quốc Việt - Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tin khác
1 2 3 
Tin mới