Một số biện pháp quản lý và phòng trừ sâu keo hại lúa (Spodoptera mauritta)

         Sâu keo có tên khoa học Spodoptera mauritta (Boisduval,1833), tên bà con nông thường gọi là sâu đàn. Đây là loại sâu ăn tạp có nguồn gốc Châu Mỹ, có thể gây hại trên 300 loài thực vật trong đó gây hại nặng là cây bắp, lúa và mía (theo Giáo sư Phạm Văn Lầm ,Viện Bảo vệ thực vật).

         Sâu keo có đặc điểm là bướm hoạt động về đêm, có tính hướng sáng yếu; sâu non thường trải 6 tuổi, tuổi 1-2 cơ thể có màu xanh nhạt - nâu sẫm là phổ biến. Khi sâu phát triển từ tuổi 3- 6 cơ thể có màu nâu xám - nâu sẫm; nhộng có màu nâu sáng (cánh dán). Sâu thường làm nhộng có đất xung quanh gốc lúa. 

Sâu keo (Spodoptera mauritta)

 

         Sâu có tập tính ăn rất khỏe và gây hại ăn theo đàn; sâu thường gây hại cắn phá mạnh vào ban đêm hoặc ban ngày trời dịu nắng, trời âm u. Khi sâu đủ lớn (tuổi 3) gây hại bằng cách ăn đứt phiến lá hoặc cắn ngang đầu lá, mép lá, có khi cắn cụt hết toàn bộ lá lúa và cắn cả cây lúa ở phần gốc thân, cây bị hại có thể bị héo, khô. Sâu thường phá thời kỳ mạ và lúa đẻ nhánh có thể ăn trụi từ ruộng này đến ruộng khác, sâu non chỉ ăn lá, sâu lớn ăn cả cây, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong đều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay. 

Hình ảnh gây hại lúa của sâu keo (Spodoptera mauritta)

          Khi hết thức ăn, sâu keo di chuyển theo đàn từ ruộng này sang ruộng khác, từ vùng này sang vùng khác để kiếm nguồn thức ăn, gây thiệt hại lớn trên cây lúa nếu không phòng trừ kịp thời.

Nhằm để quản lý và phòng trừ tốt sâu keo hại lúa sau đây là một số biện pháp khuyến cáo:

          - Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết kết hợp với thăm đồng thường xuyên kiểm tra sát sao mật độ (10-20/m2) và tuổi sâu để có biện pháp xử lý kịp thời.

          - Cần tuyên truyền, khuyến cáo người dân kiểm tra đồng ruộng thường xuyên nhằm phát hiện sớm sâu keo gây hại, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sớm tránh gây hại diện rộng.

          - Biện pháp canh tác:

           + Làm đất, phơi đất tiêu diệt nhộng trong đất ngay đầu vụ.

           + Dọn sạch cỏ dại trong ruộng và bờ để hạn chế nơi ẩn nấp, trú ngụ của sâu keo, làm giảm mật số sâu, giảm khả năng gây hại trong giai đoạn sau.        

         - Biện pháp sinh học: Sử dụng nguồn thiên địch trong tự nhiên để khống chế mật độ sâu như: Ong mắt đỏ, kiến ba khoang, bọ đuôi kiềm,… hoặc sử dụng một số chế phẩm nắm xanh, nắm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.

         - Biện pháp hóa học: Sử dụng các hoạt chất thuốc BVTV được phép sử dụng. Ưu tiên các sản phẩm thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học như: Hoạt chất Abamectin, Emamectin, Annonin, Matrine, Azadirachtin,... Nếu mật số sâu quá cao cần khoanh vùng và phun bao quanh để hạn chế sâu di chuyển sang ruộng khác, phun kỹ trên dưới mặt đất và quanh ruộng để hạn chế sâu keo lây lan trên diện rộng.

 

          *Lưu ý:

 - Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “ 4 đúng”;

 - Đảm bảo lượng nước trên đơn vị diện tích khuyến cáo 2 bình/25 lít/1.000 m2, điều chỉnh béc phun cho hạt thuốc thật mịn, nhằm giúp thuốc rãi đều trên cây lúa, diệt sâu tốt hơn;

              - Nên phun thuốc vào lúc trời mát.

Th.s Nguyễn Thị Lùng

 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

 

 

Tin khác
1 2 3 
Tin mới