Biện pháp quản lý - phòng trừ bệnh cháy bìa lá (bạc lá) trên lúa vụ Đông Xuân 2018-2019

 Cháy bìa lá còn gọi bệnh là bạc lá một bệnh trên lúa, do vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. Oryzae (Xoo) gây ra, là một trong những bệnh nhiệt đới điển hình gây hại đối với nhiều vùng trồng lúa. Bệnh có thể gây thiệt hại năng suất lúa đến 50%.

         Điều kiện ẩm ướt, nhiều sương mù, gió mạnh,… rất thuận lợi cho việc phát triển và lây lan của vi khuẩn. Thông qua sự va chạm giữa các lá lúa do mưa, gió để truyền lan tới các lá, các cây khác. Bệnh lây lan và gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của lúa, từ thời kỳ mạ đến chín nhưng có triệu chứng điển hình là ở thời kỳ lúa cây trên ruộng từ sau đẻ - trỗ, chín sữa.
         Vụ Đông Xuân là vụ lúa mà vi khuẩn gây hại mạnh nhất so với các vụ còn lại, chủ yếu hiện tượng khô đầu (chóp lá), bệnh cháy bìa lá hiện tại đang có chiều hướng lan nhanh do gió mạnh, có sự cọ sát tạo vết thương là cơ hội rất tốt để vi khuẩn xâm nhập và gây hại, vết bệnh điển hình trên ruộng là hiện tượng khô đầu lá sau đó vi khuẩn tiếp tục tấn công hai bên mép lá và chạy dọc mép lá từ đầu chóp lá cháy xuống.

Triệu chứng cháy bìa lá hiện tại trên ruộng lúa

 

          Bệnh xuất hiện ở mép lá, mút lá lan dần vào phiến lá, một số ít trường hợp vết bệnh bắt đầu ở ngay giữa phiến lá. Vết bệnh lan rộng theo đường gợn sóng hoặc thẳng; mô bệnh xanh tái vàng lục và cuối cùng cháy khô có màu nâu xám. Ranh giới giữa mô bênh với mô lành trên phiến lá rất rõ rệt, có giới hạn theo đường gợn sóng màu vàng hoặc không vàng; Khi ruộng bị bệnh giai đoạn đòng trổ thì cây không có khả năng quang hợp để tạo dinh dưỡng nuôi hạt, từ đó những ruộng lúa bị bệnh cháy bìa lá tỷ lệ lép rất cao, làm giảm năng suất rất lớn.
          * Nguyên nhân gây bệnh cháy bìa lá:
          - Một số giống nhiễm bệnh cháy bìa lá được bà con gieo trồng đại trà.
          - Do thời tiết gió mạnh làm xây xát tạo điều kiện cho vi khuẩm lây lan và phát triển nhanh trên diện ruộng.
          - Do bón thêm nhiều phân đạm (thiếu cân đối giữa đạm, lân và kali) khi thấy lá lúa bị vàng, làm cây lúa ra rễ mới phát triển lá non nên gặp gió dễ nhiễm bệnh bạc lá. Bệnh thường mẫn cảm với lượng đạm dư trong lá.
          - Phần lớn nông dân chưa xác định đúng bệnh cháy bìa lá, từ đó việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chưa phù hợp, bệnh trở nên nặng và lan nhanh trên diện rộng.  
          * Biện pháp quản lý và phòng trừ.
          - Nên chọn giống lúa có khả năng chống chịu tốt bệnh cháy bìa lá.
          - Làm đất thật kỹ giúp cây lúa phát triển tốt có khả năng chống chịu điều kiện bất lợi từ bên ngoài, hạn chế bệnh.
          - Bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Đặc biệt là không bón đạm với cách bón vá áo (lai rai). Nên bón phân cân đối; tăng cường bón phân kali giúp chân lúa cứng chắc hơn, hạn chế tạo vết thương.
          - Gieo sạ với mật độ vừa phải và hợp lý (12-15 kg/1.000 m2), đặc biệt là cấy.
          - Quan sát ruộng lúa thật kỹ khi cây lúa có các triệu chứng nêu thì ngưng nay việc sử dụng phân đạm, phun phân bón lá có chứa hàm lượng cao và chất kích thích sinh trưởng, luôn giữ đủ nước trong ruộng. Có thể bón vôi từ 25-30 kg (1.000 m2) nhằm hạn chế khả năng phát triển và lây lan của vi khuẩn trên diện rộng.
          - Cần thăm đồng thường xuyên: phát hiện bệnh sớm và xử lý ngay bằng các loại thuốc đặc trị bệnh vi khuẩn để phòng trừ:  Starner 20 WP, Xantocin 40 WP, Agri-life 100 SL, Lobo 8 WP, Totan 200WP; Kasumin 2SL,…
          * Lưu ý: Khi xử lý các loại thuốc đặc trị vi khuẩn nên phun lặp lại lần 2 từ 3-5 ngày tùy theo mức độ gây hại của bệnh, khi phun thuốc cần phun kỹ và ướt đều trên lá lúa, sử dụng thuốc BVTV nên tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Th.S Nguyễn Thị Lùng

Chi cục Trồng trọt và BVTV

11 người đã bình chọn
Tin khác
1 2 3 
Tin mới