Hội thảo khoa học Quy trình canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây bưởi tại huyện Cầu Kè

         Cùng với huyện Càng Long và huyện Tiểu Cần, huyện Cầu Kè là một trong 3 huyện trồng bưởi lớn nhất trên địa bàn tỉnh với diện tích 487 ha chiếm 23,54% diện tích trồng bưởi của tỉnh. Trong đó, diện tích cho trái là 369 ha chiếm 23,02% diện tích bưởi cho trái toàn tỉnh, sản lượng trái 5.525 tấn/năm, năng xuất 14,97 tấn/ha (xem hình 1). Huyện Cầu Kè có mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Thới được chứng nhận VietGAP, đây là một trong 4 hợp tác xã và mô hình sản xuất bưởi trên địa bàn tỉnh được chứng nhận VietGAP. Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Thới cũng là một trong 2 hợp tác xã có sản phẩm bưởi được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận kết quả đánh giá, phân hạng OCOP 03 sao. Tương tự như các địa phương khác của tỉnh, vùng trồng bưởi của huyện Cầu Kè chưa được mã số vùng trồng và chưa có các dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

 
Hình 1. Sản lượng trái của cây bưởi của các địa phương năm 2021 (tấn)
 (Nguồn: Hội thảo khoa học Quy trình canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây bưởi,
 tại huyện Cầu Kè, tháng 10/2022)

         Thông tin đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã được cấp 63 vùng trồng mã số cho chuối, xoài, dưa hấu, nhãn, thanh long và chôm chôm. Trong đó, huyện Cầu Kè với 20 mã số vùng trồng cho chuối, xoài, dưa hấu, nhãn và chôm chôm, đứng đầu các huyện thị xã, thành phố. Về liên kết tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết 78/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện Cầu Kè có 3/5 dự án của tỉnh được phê duyệt. Thực hiện Chương trình OCOP, đến hết năm 2021, huyện Cầu Kè xếp thứ tư toàn tỉnh với 9 sản phẩm được chứng nhận.

         Mặc dù là địa phương có diện tích trồng bưởi lớn, nhưng cây bưởi của huyện gặp nhiều hạn chế, như: Người dân sản xuất theo kinh nghiệm dẫn đến sản lượng không ổn định, chất lượng trái chưa cao, kích cỡ trái không đồng đều. Dịch bệnh gây hại trên cây bưởi luôn là mối nguy cơ đối với người trồng. Chưa có sản phẩm mang thương hiệu, nhãn hiệu riêng của tổ chức hay cá nhân. Hầu hết bán sản phẩm trái bưởi tươi qua thương lái, chưa có các cơ sở chế biến để làm tăng giá trị gia tăng của trái bưởi,...

Chính vì vậy, huyện đã phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Quy trình canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây bưởi (tại huyện Cầu Kè, ngày 11/10/2022). Hội thảo chuyên đề tập trung vào quy trình kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại nhất là sâu đục trái trên cây bưởi. Các giải pháp để tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững cây bưởi, cụ thể, xu hướng phát triển cây bưởi trong thời gian tới, công nghệ bảo quản, chế biến, tiềm năng xuất khẩu bưởi của tỉnh. Xây dựng chuỗi liên kết bưởi trong tỉnh, cụm liên kết trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và nhà vườn; ứng dụng công nghệ trong sản xuất bưởi; sự phù hợp của chiến lược và chính sách hỗ trợ của tỉnh hiện nay. Biện pháp hiệu quả để quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bưởi Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Kè nói riêng. 

Một vườn bưởi lâu năm tại huyện Cầu Kè

         Các tham luận trình bày đã nêu được thực trạng về sản xuất cây bưởi, trong đó vấn đề hiện nay làm thế nào để người trồng bưởi ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng xuất, chất lượng trái bưởi, nhất là áp dụng công nghệ cao vào quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến xuất khẩu. Sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, nhãn hiệu mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Từ đó, phát triển ổn định vùng chuyên canh cây bưởi, nâng cao đời sống cho người trồng bưởi. Người trồng bưởi cần chủ động hơn, liên hệ với các cơ quan chức năng trong việc tiếp cận các chính sách cũng như hỗ trợ về khoa học công nghệ, sản xuất an toàn.

         Với tham luận Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển cây bưởi trên địa bàn huyện Cầu Kè, huyện Cầu Kè đưa ra 8 giải pháp để khắc phục những hạn chế và định hướng phát triển cây bưởi của huyện. Trong đó, tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sản xuất VietGAP, chứng nhận OCOP, xúc tiến thương mại và phát triển các chuỗi liên kết, đây cũng là định hướng chung cho sản xuất bưởi của tỉnh.

         Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo về lúa gạo và cây màu. Gần đây các sở, ngành quan tâm nhiều hơn đến hội thảo về cây dừa, cây xoài và cây quýt đường. Đối với cây bưởi, mặc dù cây bưởi da xanh được tỉnh xác định cơ cấu nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 1122/QĐ-UBND ngày 11/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là một trong 12 loại cây ăn quả chủ lực, nhưng hội thảo chuyên đề về cây bưởi trên địa bàn tỉnh rất ít. Do đó, Hội thảo lần này rất hữu ích và thiết thực. Đại biểu tham dự đề nghị trong thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh, các viện, trường, địa phương cần tổ chức thêm nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo về cây bưởi và cây có múi, cung cấp cho người dân có thêm thông tin cũng như kiến thức để sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.  

Văn Đoái

Tin mới