Trồng cỏ để bán

         Theo thống kê của Website http://channuoivietnam.com/ (truy cập ngày 07/3/2022), ở thời điểm 01/01/2021, với tổng đàn khoảng 225 ngàn con, đàn bò của tỉnh Trà Vinh đã vượt lên dẫn đầu các tỉnh Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

         Hầu hết bò nuôi tại tỉnh hiện nay là bò (lai) thịt. Các giống bò phổ biến vẫn là lai Sind, Brahnan, Charolais, Angus, Droughtmaster hoặc BBB. Mức độ phổ biến của từng giống tùy theo nhu cầu của thị trường tại từng thời điểm. Gần đây, một số giống bò mới (như: Wagyu, Inra 95) đang được một số chương trình, dự án triển khai (bằng hình thức sử dụng tinh nhập ngoại để gieo) cho mục tiêu nâng chất lượng đàn bò của tỉnh. 3 huyện có số lượng bò nhiều nhất tỉnh từ nhiều năm qua vẫn là: Huyện Cầu Ngang khoảng 46.130 con (chiếm khoảng 21,02% tổng đàn bò của tỉnh), huyện Châu Thành 38.713 con (17,64%) và huyện Trà Cú 36.237 con (16,55%). Từ năm 2018 đến 2020, đàn bò tăng theo từng năm, nhưng cuối năm 2021 đàn bò giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Viêm da nổi cục. Bệnh Viêm da nổi cục là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện, mức độ lây lan nhanh, rộng, tỉnh đã phải công bố dịch trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, so sánh giữa thời điểm 2021/2018, đàn bò của tỉnh vẫn tăng khoảng 4,72%.

Thân cây bắp được mua về làm thức ăn nuôi bò

         Thức ăn cho bò chủ yếu là rơm, cỏ. Ngoài ra, tùy theo từng địa phương, người nuôi bò sử dụng thêm thân cây bắp, đậu phộng, ngọn mía,… và hầu hết người nuôi bò đều cho bò ăn trực tiếp, ít qua chế biến. Với tổng đàn bò khoảng 225 ngàn con thì cần phải có một lượng thức ăn lớn. Hàng năm, diện tích trồng lúa của tỉnh tạo ra khoảng hơn một triệu tấn rơm, rạ, nhưng theo ước tính lượng rơm thu được chỉ khoảng hơn 0,5 triệu tấn và số rơm này không chỉ để dùng nuôi bò. Về thân cây bắp khoảng 0,2 triệu tấn, đậu phộng khoảng 1.500 tấn,… Về cỏ trồng, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tổng diện tích đất để trồng cỏ không quá 5.000 ha, vì vậy, không đủ thức ăn để nuôi bò. Mặc khác, các khu vực chăn thả ngày càng bị thu hẹp, bò phải nuôi nhốt, không thể tự kiếm ăn, dẫn đến nhu cầu thức ăn xanh cho nuôi bò ngày càng tăng và làm phát sinh nghề trồng cỏ để bán.

         Người dân (ở một số vùng của huyện Trà Cú, huyện Cầu Kè) trồng cỏ chủ yếu để bán cho các cơ sở nuôi nhiều bò. Giống cỏ trồng phổ biến là cỏ voi, năng suất khoảng 180-200 tấn/ha/năm, giá bán khoảng 1.100-1.200 đồng/kg, có khi giá lên đến 1.500 đồng/kg. Ước tính người trồng cỏ có thể  thu về khoảng 200 triệu đồng/ha/năm (chưa trừ chi phí đầu tư), cao hơn nhiều so với trồng lúa. Chưa kể, đầu tư cho trồng cỏ thấp, ít tốn công chăm sóc, quản lý, trồng một lần nếu chăm sóc tốt có thể 5-6 năm sau mới phải trồng lại.

         Những năm qua, thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ chuyển trên 550 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, trong đó riêng huyện Trà Cú là trên 400 ha, ước có thêm khoảng 100.000 tấn cỏ để phục vụ nuôi bò. Hiện tại, chính sách hỗ trợ trồng cỏ áp dụng theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025. Người trồng cỏ được hỗ trợ một lần kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi là 20.000.000 đồng/ha.

Cỏ voi trồng tại huyện Trà Cú

         Tuy nhiên, một số khuyến cáo đối với người dân có ý định trồng cỏ để bán đó là, việc mua - bán cỏ, trên địa bàn tỉnh còn mới và cỏ chủ yếu chỉ dùng làm thức ăn cho bò. Không giống như rơm, có rất nhiều công dụng khác ngoài làm thức ăn nuôi bò (sản xuất nấm rơm, trồng màu,…) và rơm đã hình thành được thị trường mua - bán từ nhiều năm qua, vì vậy, người dân cần có sự cân nhắc kỹ khi trồng cỏ để bán.  

Văn Đoái

 

Tin mới