Để bán hàng, nông dân không cần thiết phải đưa hàng vào siêu thị

         Phát triển thương mại điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu dùng nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 10/12/2021 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp. Mục đích của Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu; kỹ năng bán hàng trên nền tảng số; xây dựng, phát triển hệ thống bán hàng online. Và sau cùng là thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

         Để khẳng định xu thế tất yếu ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, Hội nghị đã tập trung giới thiệu về các chuyên đề: Chợ số địa phương là giải pháp tiếp thị thương hiệu và xúc tiến bán hàng trên môi trường số. Kỹ năng bán hàng đa kênh. Giải pháp kinh doanh online theo chuỗi trên đa nền tảng công nghệ thông tin - viễn thông; kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến. Giải pháp kinh doanh nông sản online theo chuỗi.  

Chiến lược giá bán trong Kỹ năng bán hàng đa kênh (ảnh chụp màn hình Hội thảo)

 

         Các diễn giả tại Hội nghị cho rằng, trên môi trường số (mạng), khách hàng thường mua “bằng mắt”, vì vậy người bán hàng cần chú trọng đầu tư cho khâu bao, gói sản phẩm sao cho gây được ấn tượng, hấp dẫn; thiết kế sản phẩm theo bộ (combo) gồm nhiều sản phẩm trong một “giỏ hàng” để đa dạng trong đáp ứng nhu của khách hàng. Cần có chiến lược về giá bán cho các kênh bán hàng khác nhau nhưng phải đảm bảo được tính cạnh tranh và phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng; giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm và quy trình sản xuất thật minh bạch, thật rõ ràng. Khi làm chương trình khuyến mãi không làm theo cảm tính mà phải có chiến lược xác định mục tiêu cần đạt được cụ thể,...

         Để giải tỏa nỗi lo của người nông dân về điệp khúc “được mùa rớt giá”, không bán được hàng, nếu như trước đây đưa hàng vào hệ thống siêu thị là giải pháp tốt, thì hiện nay, người nông dân không cần thiết phải bán hàng qua siêu thị. Với sự “bùng nổ” của các sàn thương mại điện tử, người nông dân dễ dàng bán hàng qua mạng vì “nhà nhà đều làm được truyền thông, nhà nhà đều làm được thương mại” qua sự hỗ trợ đắc lực của các sàn thương mại điện tử và cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

         Nhiệm vụ của người nông dân cần phải làm là làm thế nào để sản phẩm do mình sản xuất đạt chất lượng tốt nhất có thể, không chỉ vậy, chất lượng sản phẩm còn phải ổn định và ngày càng được cải thiện, nâng lên - nếu người nông dân chưa biết cách làm thế nào để sản phẩm do mình sản xuất đạt chất lượng tốt nhất thì cần tìm hiểu, học hỏi. Sản phẩm làm ra phải phát huy được tối đa lợi thế riêng, có thương hiệu riêng không nơi nào có được để khách hàng không có sự so sánh. Đồng thời, phải làm gia tăng giá trị của sản phẩm (ngoài giá trị sử dụng) thông qua các câu chuyện về sản phẩm, về văn hóa vùng miền, về sự kết nối,…  

Mô hình kinh doanh theo chuỗi (ảnh chụp màn hình Hội thảo)

 

         Người nông dân không sản xuất riêng lẻ mà cần phải “Hợp tác, hợp tác và hợp tác”, chỉ có hợp tác mới giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra sản phẩm số lượng lớn, chất lượng ổn định, tận dụng được sức mạnh tập thể, trí tuệ tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Các hộ sản xuất nhỏ hợp tác với nhau để hình thành vùng sản xuất lớn, các hợp tác xã nhỏ cần liên kết hình thành các liên minh hợp tác xã,… có như vậy, người nông dân mới có “tiếng nói” trên thương trường và tạo chuỗi kết nối bài bản, gắn kết giữa nông dân - doanh nghiệp.

         Qua Hội nghị có thể thấy rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) với những công nghệ mới đã tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực và đang phát huy được những ưu thế, thúc đẩy những bước tiến vượt bậc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp.

 

Văn Đoái

Tin mới