Một số quy định mới về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

         Ngày 26/8/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021 và thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Vừa qua, ngày 24/9/2021, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tổ chức họp trực tuyến phổ biến Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đến các địa phương để triển khai thực hiện.

         Về nguyên tắc thực hiện hỗ trợ, theo Điều 4 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, không phải tất cả DNNVV đều được hỗ trợ, mà căn cứ vào khả năng cân đối nguồn lực và định hướng ưu tiên hỗ trợ trong từng thời kỳ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV quyết định số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện được nhận hỗ trợ, đảm bảo theo nguyên tắc: Một là, DNNVV nộp hồ sơ trước được hỗ trợ trước. Hai là, DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ và DNNVV là doanh nghiệp xã hội theo quy định của pháp luật được hỗ trợ trước. Nguyên tắc này có thay đổi so với quy định của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP. 

Lao động nữ tại doanh nghiệp sản xuất cốm, bánh ống

         Về tiêu chí xác định doanh nghiệp, tiêu chí cũ “có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội“ thì tiêu chí mới đó là “sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội”. Như, tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP: “1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng”.

         Về xác định và kê khai DNNVV được bổ sung tại khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP: “Căn cứ vào thời điểm doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV đối chiếu thông tin về doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để xác định thông tin doanh nghiệp kê khai đảm bảo đúng đối tượng hỗ trợ”, việc bổ sung này để tránh doanh nghiệp kê khai sai hoặc hỗ trợ trùng lặp cho doanh nghiệp.

         Một điểm mới khác của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đó là hỗ trợ “chuyển đổi số” quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11. Nội dung này nhằm đáp ứng mục tiêu cơ bản Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

          Về tiêu chí tư vấn viên, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP không quy định địa phương ban hành tiêu chí tư vấn viên mà tổ chức, cá nhân tham gia mạng lưới tư vấn viên phải đáp ứng tiêu chí chủa bộ, cơ quan ngang bộ nơi tổ chức, cá nhân tư vấn dự kiến đăng ký (khoản 1 Điều 13). 

Sản phẩm của doanh nghiệp trưng bày tại Hội thảo  
 “Đẩy mạnh kết nối nhằm phát triển kinh tế Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”
 do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Trà Vinh ngày 01/4/2021"

 

         Một vấn đề vướng mắc gây khó trong thời gian qua đó là chưa có tiêu chí về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì tiêu chí này đã được quy định tại Điều 20 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được xác định theo một trong các tiêu chí: “1. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, phần mềm máy tính, ứng dụng trên điện thoại di động, điện toán đám mây, giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới. 2. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm được tạo ra từ các dự án sản xuất thử nghiệm, sản phẩm mẫu và hoàn thiện công nghệ; sản xuất, kinh doanh sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, quốc tế và các giải thưởng về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ. 3. Có giải pháp công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới có khả năng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% trong 02 năm liên tiếp trên cơ sở phân tích các yếu tố thị phần, khả năng phát triển của sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”. Đồng thời, tại Điều 21 cũng nêu cụ thể về phương thức lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP cũng xác định nguyên tắc hỗ trợ lãi suất (Điều 26) và nội dung hỗ trợ lãi suất (Điều 27) những nội dung này chưa đề cập tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

         Mặc dù các mức hỗ trợ theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP đều cao hơn so với Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, với mục tiêu để sự đầu tư không bị dàn trải, hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp và tăng tính hiệu quả của hỗ trợ. Tuy nhiên, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP chủ yếu hỗ trợ về tư vấn, vì vậy, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP có thể sẽ gặp vướng mắc tương tự như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đó là, giải ngân kinh phí để thuê tư vấn sẽ thực hiện như thế nào. Ngoài ra, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021, nhưng Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP vẫn đang giai đoạn dự thảo.

 

Văn Đoái

 

 

 

Tin mới