Người dân Trà Vinh quan tâm gì về sản xuất nông nghiệp hiện nay

         Sự quan tâm nhiều nhất đó là giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu ra sản phẩm nông nghiệp không ổn định. Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi, phân bón thuốc, bảo vệ thực vật nhiều lần tăng giá. Tại thời điểm cuối tháng 5, thức ăn chăn nuôi sau 4-5 lần “điều chỉnh” đã tăng thêm hơn 100.000 đồng/bao tùy nhãn hiệu, phân bón tăng thêm khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng/bao, vì vậy chi phí sản xuất tăng theo. Ngược lại, nông sản giảm hoặc rớt giá “thê thảm” không bán được, như heo hơi[i]] trái cây các loại[ii]] riêng lúa, giá có tăng nhưng do ảnh hưởng của vật tư đầu vào tăng nên lợi nhuận tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, vấn nạn hàng gian hàng giả (phân bón thuốc, bảo vệ thực vật) vẫn còn xảy ra, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.   

         Một vấn đề khác liên quan đến sản xuất lúa. Sau thời gian dài độc canh liên tục nhiều vụ/năm và sử dụng phân bón vô cơ, cùng một số tác nhân khác dẫn đến đất trồng lúa bị thoái hóa, năng suất - chất lượng thấp; cộng thêm sản phẩm nông sản thường trong tình trạng “được mùa mất giá”, người dân lúng túng không biết chuyển sang cây trồng hoặc vật nuôi nào cho phù hợp. Trong khi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước thiếu định hướng, quy hoạch hoặc quy hoạch không đến được với người dân. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” đã xảy ra ở một số nơi, nhiều trường hợp chuyển đối đất lúa không theo quy hoạch, làm phá vỡ quy hoạch của địa phương. Điều này không chỉ gây khó cho địa phương trong quản lý mà còn gây khó cho sản xuất của chính người dân. Cụ thể, tình trạng “da beo” trồng lúa xen kẽ trồng cây ăn trái, trồng màu,… rất khó điều tiết nước cũng như thu hoạch, phòng chống dịch bệnh, sản xuất an toàn, sản xuất hàng hóa tập trung.

 Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bắp

         Toàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 4.339,209 km kênh mương thủy lợi, gồm: 824,995 km Kênh cấp I; 2.226,318 km kênh cấp II; 1.287,896 km kênh cấp III[iii], đã cơ bản đáp ứng nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, người dân đề nghị cần thường xuyên nạo vét nâng cấp các tuyến kênh và gia cố bờ bao, đê bao, khắc phục các điểm sạt, lở, ngăn mặn để đảm bảo điều tiết, chủ động mực nước trong đồng ruộng theo yêu cầu sản xuất. Đồng thời, cần có giải pháp khắc phục tình trạng nguồn nước kênh mương bị ô nhiễm bởi chất thải, rác thải trong sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi, lục bình gây bồi lắng làm tắc nghẽn dòng chảy, nước bị ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Mặt khác, theo quy định, tuyến kênh (dưới 2m) do địa phương quản lý, thì không được hỗ trợ kinh phí nạo vét. Đây là vấn đề ‘đau đầu” của địa phương, do lao động trẻ đi nơi khác tìm việc, chỉ còn người lớn tuổi ở lại, vì vậy không có động lao động để nạo vét, rất cần có kinh phí hỗ trợ địa phương thuê máy móc thực hiện.  

Vớt lục bình, khơi thông dòng chảy tại Càng Long (Ảnh: Nguyễn Văn Khoa)

         Trên địa bàn tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ về nông nghiệp nông thôn, như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp; Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa,… Tuy vậy, người dân còn gặp khó khi tiếp cận thụ hưởng các hỗ trợ của chính sách do thiếu thông tin hoặc quy định điều kiện để được hỗ trợ không phù hợp với thực tế. Thí dụ, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nội dung không thực hiện được như: Phối giống nhân tạo cho trâu; mua trâu đực giống; mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị,… Nguyên nhân, tổng đàn trâu của tỉnh ngày càng giảm qua các năm, năm 2020 chỉ còn 243 con[iv], nên không mời gọi được các cơ sở tham gia cung cấp tinh, cung cấp trâu đực giống, hoặc các cơ sở sản xuất gia cầm chỉ bán gà, vịt giống lúc 01 ngày tuổi, nhưng để được hỗ trợ thì người dân phải bắt buộc mua gà, vịt giống 08 tuần tuổi.

         Ngoài ra, người dân còn quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, quản lý tiếng ồn trong hoạt động dẫn dụ nuôi chim yến, sản xuất an toàn, an toàn thực phẩm,… Nhưng, có thể thấy rằng, những vấn đề người dân quan tâm về sản xuất nông nghiệp không quá mới và không dễ để “tháo gỡ” một sớm một chiều. Trong nền kinh tế thị trường, sản xuất phải theo định hướng thị trường. Ngoài những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp thì người dân cần phải có sự chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Sản xuất những sản phẩm thị trường cần; phải có sự hợp tác, liên kết trên tinh thần tự nguyện; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (khoa học công nghệ được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng thời điểm này và tương lai[v]), tạo sản phẩm độc đáo, đặc thù, mới, lạ, tức là tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từng bước thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thị trường, hàng hóa, lấy chất lượng là tiên phong, người dân (phải) hiểu mình đang cần gì và sẽ làm những gì, không còn tư tưởng trông chờ, chính quyền nghĩ thay và ấn định[vi]. Và như vậy, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hay tiếp cận các chính sách,… sẽ không còn là nỗi bận tâm lớn của người dân trong sản xuất nông nghiệp[vii].

Văn Đoái



[i] Giá heo hơi tại Trà Vinh cuối tháng 5/2021 đến đầu 6/2021 khoảng 67.000 đồng/kg. Nguồn: https://www.anovafeed.vn/, truy cập ngày 026/2021

[ii] Tại Tiền Giang:  2.000-3.000 đồng/kg mít, 4.000-8.000 đồng/kg xoài ,... Theo An An (2021), Mít Thái rớt giá thảm, dân trắng tay: Nỗi niềm muôn thuở.  https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/mit-thai-rot-gia-tham-dan-trang-tay-noi-niem-muon-thuo-3433154/, truy cập ngày 03/6/2021

[iii] Số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh (2019)

[[iv]] Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh (2020)

[v]Khánh Nguyên (2021), Tìm lối ra cho nông sản mùa dịch Covid-19 (bài cuối): Dồn toàn lực để tiêu thụ nông sản. https://danviet.vn/tim-loi-ra-cho-nong-san-mua-dich-covid-19-bai-cuoi-don-toan-luc-de-tieu-thu-nong-san-2021052816551766.htm, truy cập ngày 01/6/2021

[vi] 'Hội quán nông dân' do tân Bộ trưởng Lê Minh Hoan khởi xướng có gì đặc biệt? http://doanhnghiepthuonghieu.vn/hoi-quan-nong-dan-do-tan-bo-truong-le-minh-hoan-khoi-xuong-co-gi-dac-biet-p30580.html, truy cập ngày 02/6/2021

[vii] Nội dung bài viết theo phản ảnh của cử tri tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành và thành phố Trà Vinh

Tin mới