“Lệ thuộc vào một ít đối tác, chưa có lợi thế đối trọng trong đàm phán hợp đồng”

         Đó là một trong những dự báo khó khăn sẽ gặp phải trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu (xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành). Hợp tác xã Phú Mỹ Châu có 120 thành viên chuyên về sản xuất và kinh doanh lúa giống; cung ứng vật tư nông nghiệp. Theo mục tiêu năm 2021, Hợp tác xã sẽ tiêu thụ sản lượng lúa là 800 tấn, doanh thu 5.932.595.000 đồng, lợi nhuận 117.274.500 đồng (lợi nhuận bằng 1,98% doanh thu).

         Vì sao Hợp tác xã dự báo khó khăn này? Trước hết, các hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã những năm qua và năm 2021 chủ yếu là “thu mua lúa thương phẩm và lúa giống với giá bằng hoặc cao hơn so với đối thủ cạnh tranh, sơ chế cung cấp cho đối tác quan trọng”. Hay nói cách khác đây chỉ là hình thức mua đi bán lại, chưa kể số lượng không lớn chỉ 800 tấn, chiếm khoảng 0,09% so với sản lượng lúa của tỉnh và 0,43% sản lượng lúa huyện Châu Thành năm 2020.  

        Lúa của Hợp tác xã chưa có nhãn hiệu và thương hiệu, tức là trên thị trường thì lúa của Hợp tác xã “vô danh” nên sức cạnh tranh thấp. Nhận thấy được điều này, thời gian qua các cấp các ngành tỉnh, huyện, các dự án đã và đang xúc tiến hỗ trợ Hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Cụ thể, một trong 5 lĩnh vực mà tổ chức Agriterra (Hà Lan) hỗ trợ cho Hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 đó là: “Xây dựng thương hiệu và tăng cường tiếp cận thị trường”; tháng 01/2021, Viện Phát triển kinh tế hợp tác Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bàn giao và nghiệm thu “Chương trình xây dựng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị lúa hữu cơ”, đồng thời hỗ trợ Máy tải tự động dạng gàu tải, Máy đóng gói gạo tự động cân định lượng, Máy ép nhiệt liên tục,… để đa dạng hóa sản phẩm (phát triển sản phẩm gạo ngoài lúa) và nâng cao chất lượng sản phẩm. Như vậy, về cơ bản Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu đã và đang có sự hỗ trợ rất tốt để xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu.

Máy tải tự động dạng gàu tải Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu được hỗ trợ

         Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu bắt đầu hoạt động từ năm 2014, nếu so với các Hợp tác xã khác, thì việc xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu có phần chậm trễ. Thí dụ, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh (phường 4, thành phố Trà Vinh), “hoạt động kinh doanh là thu mua, sơ chế, sản xuất các sản phẩm qua chế biến rau củ quả, trái cây. Tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, sạch. Cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho thị trường”, thì trước ngày khai trương (23/12/2020) Hợp tác xã Nông nghiệp xanh đã xây dựng nhãn hiệu và thương, hiệu đồng thời kết nối với hệ thống siêu thị để tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Lễ khai trương Hợp tác xã Nông nghiệp xanh 
 có sự tham dự của đại diện Siêu thị GO tại Trà Vinh (hàng trước, bìa bên phải)

         Qua tìm hiểu thêm, đây cũng là xu hướng chung của các Hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh khi thành lập. Có thể nói, đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu ngay từ đầu thành lập Hợp tác xã là chiến lược thông minh, có tầm nhìn. Thực tế, rất nhiều nhãn hiệu và thương hiệu bị mất hoặc không thể đăng ký do “bị xí phần” trước. Như, Quýt đường Long Trị (xã Bình Phú) đã được địa phương khác đăng ký, hay nước mắm rươi, một đặc sản của vùng Duyên Hải, tương truyền tiến vua, tuy nhiên khi đăng ký thì không được chấp nhận vì từ “tiến vua” tương tự như tên một sản phẩm khác (đã bị đăng ký trước) dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng,…

         Việc có nhãn hiệu và thương hiệu chỉ là bước khởi đầu. Để người tiêu dùng “biết đến”, tin tưởng, sử dùng sản phẩm phải mất cả một quá trình thời gian lâu dài. Theo đại diện Hợp tác xã Long Hiệp (huyện Trà Cú) với thương hiệu gạo “Hạt Ngọc Rồng”, Hợp tác xã Long Hiệp bỏ ra công sức, thời gian, kinh phí nhiều năm mới có được chất lượng gạo ổn định; tiếp đến tích cực tham gia “chinh chiến trên mọi mặt trận” Hội chợ, Hội thảo trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, đến nay Hợp tác xã Long Hiệp tự đánh giá “Hạt Ngọc Rồng” mới chỉ tạm có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài việc tham gia các Hội chợ, theo đại diện Sokfarm (huyện Tiểu Cần), với sản phẩm Mật hoa dừa nổi tiếng, thì sản phẩm tham gia và đạt giải tại các cuộc thi cũng là “giấy thông hành” khá tốt cho sản phẩm lưu thông trên thị trường. Một vấn đề cốt lõi khác, chất lượng sản phẩm phải luôn luôn ổn định và không ngừng được nâng lên. Sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng OCOP, HACCP,… sẽ được người tiêu dùng tin tưởng hơn. 

 

Sản phẩm gạo “Hạt Ngọc Rồng” giới thiệu tại Hội thảo 
 “Đẩy mạnh kết nối nhằm phát triển kinh tế Vùng đồng bằng sông Cửu Long”
 do Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Trà Vinh, ngày 01/4/2021

         Như vậy, để không phải “Lệ thuộc vào một ít đối tác, chưa có lợi thế đối trọng trong đàm phán hợp đồng”, Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu còn cả một hành trình dài phía trước, chưa kể muốn cạnh tranh “dành thị phần” với sản phẩm lúa, gạo đã có nhãn hiệu và thương hiệu là điều không phải dễ dàng.

 

Văn Đoái

 

 

 

Tin mới