Hàm Giang chuyển đổi phát triển cây màu trên đất sản xuất kém hiệu quả

         Hàm Giang là xã thuộc huyện Trà Cú, cách trung tâm huyện khoảng 8 km về hướng Nam, diện tích tự nhiên 1.590,70 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.014,57 ha. Xã có 07 ấp, 2.120 hộ với 9.015 nhân khẩu, 93,34% dân số là người dân tộc Khmer, nhìn chung, đời sống của người dân còn khó khăn chủ yếu sống bằng nghề nông.

         Do điều kiện tự nhiên của xã đất giồng cát, đất triền giồng chiếm tỷ lệ lớn rất thuận lợi để phát triển cây màu chuyên canh hoặc luân canh trên đất lúa, nhất là khi điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Vì vậy, trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao, từ đó tăng thu nhập cho người dân trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Nếu như giá trị sản xuất năm 2015 chỉ khoảng 70 triệu đồng/ha/năm thì đến cuối năm 2020 tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân năm 2015 là 15,8 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2020 là 42 triệu đồng/người/năm, tăng 2,66 lần. Hộ nghèo từ 501 hộ năm 2015 giảm còn 119 hộ vào cuối năm 2020. Như vậy, việc chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao là hướng đi mới, phù hợp với điều kiện sản xuất và phù hợp theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của xã. 

Nông dân xã Hàm Giang chăm sóc bí đỏ (bí Ngô, bí rợ)

         Theo ông Thạch Thời, ấp Nhuệ Tứ B, gia đình ông có 06 công đất nằm trong khu vực kênh bê tông. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm ngoài trồng một vụ lúa, gia đình ông trồng thêm 02 vụ bí đỏ. Mỗi vụ bí đỏ sau 65 ngày thì cho thu hoạch và bán được trên 60 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, chăm sóc,… thu lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/vụ, cao gấp ba lần so với cây lúa.

         Ông Ngô Minh, ấp Nhuệ Tứ A, cho biết, do biến đổi khí hậu nắng nóng kéo dài, dẫn đến việc trồng lúa gặp khó khăn vì thiếu nước. Thay vì trồng hai vụ màu-một vụ lúa như hằng năm, ông chuyển sang trồng chuyên màu, gồm: mướp, cải xà lách, bí đao và xen canh một vụ bắp, chỉ từ 02 công đất ruộng đã cho thu nhập gần 65 triệu đồng/năm. Ngoài ra, khi chuyển sang trồng chuyên màu còn giúp ông khắc phục tình trạng thiếu nước. Nhận thấy được hiệu quả từ cây màu mang lại, ông tiếp tục chuyển toàn bộ 3,5 công đất còn lại sang trồng 02 vụ bí đỏ-bắp, 01 vụ lúa. Kết quả, thu nhập hàng năm từ 5,5 công đất của gia đình ông trên 110 triệu đồng.

         Về hiệu quả từ chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu của xã Hàm Giang, ông Thạch Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có khoảng 685 ha đất phù hợp cho cây màu phát triển. Hàng năm, người dân gieo trồng 153,9 ha bắp, 50,4 ha bí đỏ, 9,4 ha dưa hấu, 471,4 ha bầu, bí, mướp, khổ qua, rau. Đây là các loại chủ lực có nhiều tiềm năng với vùng đất Hàm Giang. Từ cây màu, nhiều hộ thoát nghèo, đời sống của người dân có sự thay đổi về nhiều mặt. Đặc biệt, việc chuyển đổi sang cây màu đã từng bước khắc phục, giảm tình trạng thiếu nước tưới hoặc sản xuất phụ thuộc vào nước trời, nhất là trong tình hình hạn, mặn hiện nay,…Tuy vậy, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Giang cũng trăn trở về tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, trồng theo kinh nghiệm, thiếu thông tin thị trường,… nên chưa thật sự phát huy hết hiệu quả, thế mạnh từ cây màu mang lại.

         Theo ông Thạch Ngọc Thạch, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và tiếp tục khai thác tốt thế mạnh đất giồng cát, đất triền giồng, hướng tới, Hàm Giang sẽ tổ chức lại sản xuất, chỉ đạo sản xuất theo hướng liên kết tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung; kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã, các cấp các ngành hỗ trợ đầu tư khoa học-kỹ thuật, sản xuất an toàn, bao tiêu sản phẩm để người dân Hàm Giang sản xuất cây màu được ổn định và bền vững.

 

Thực hiện: Kim Sơn

Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Trà Cú

Tin mới