Tuổi trẻ Trà Vinh đối thoại gì với ngành nông nghiệp

         Trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo trẻ tỉnh Trà Vinh năm 2020, Tỉnh đoàn và Ban quản lý Dự án SME Trà Vinh đã tổ chức Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và Sở, ban ngành tỉnh với Doanh nhân trẻ, các Hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên và ĐVTN khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2020. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở, đến dự và là thành viên tham gia chủ tọa Chương trình.

          Những năm qua, “sáng tạo trẻ” Trà Vinh đã mang lại thành công bước đầu, một số sản phẩm về lĩnh vực nông nghiệp của các Doanh nghiệp trẻ, Hợp tác xã tạo “tiếng vang” và tạo niềm tin cho người tiêu dùng không những trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới, như: Sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng, mật hoa dừa Sokfarm,… Các sản phẩm này đã đạt Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu, Giấy chứng nhận OCOP, thực hành tốt và giải thưởng tại các hội thi,… Theo các Doanh nghiệp trẻ thì sản phẩm đạt chứng nhận, đạt giải tại các hội thi là cơ hội rất tốt để quảng bá, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường. Yếu tố thị trường là một trong những khó khăn của Doanh nghiệp khi bắt đầu khởi nghiệp bên cạnh yếu tố vốn, nếu tháo gỡ được “nút thắt” này thì sẽ nâng cao tỷ lệ thành công của Doanh nghiệp.

Mật hoa dừa Sokfarm một trong những sản phẩm khởi nghiệp thành công

         Với tinh thần đối thoại thẳng thắng-vui vẻ-cởi mở, đoàn viên thanh niên đại diện cho các đơn vị Đoàn trong tỉnh đặt nhiều câu hỏi để mong có thể “làm khó” các thành viên chủ tọa. Vì vậy, các câu hỏi rất đa dạng, từ chính sách hỗ trợ để ý tưởng khởi nghiệp đi vào thực tiễn đến tiếp thị sản phẩm đã hoàn chỉnh sao cho đạt hiệu quả, từ cách thức tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đến xử lý những rủi ro, từ đơn vị tư vấn khởi nghiệp đến hồ sơ, thủ tục,… Trong đó, có một câu hỏi rất thực tế và thú vị là nếu đoàn viên thanh niên từ tỉnh khác đến Trà Vinh “khởi nghiệp” thì có được hưởng các hỗ trợ như đoàn viên thanh niên tại Trà Vinh hay không.

         Đối với ngành nông nghiệp, “đối thoại” tập trung chủ yếu vào hai lĩnh vực gồm sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP-Mỗi xã một sản phẩm, đang là xu thế hiện nay. Điều này chứng tỏ rằng tuổi trẻ Trà Vinh luôn quan tâm và nắm bắt kịp thời các vấn đề của ngành nông nghiệp.

         - Về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thực hiện theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất đa dạng, như: Hỗ trợ kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành,... Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu Đề án là Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới[[i]].

         Tại Trà Vinh, tỉnh đã xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030, gồm: Sản phẩm lúa, gạo huyện Châu Thành và huyện Cầu Ngang. Sản phẩm dừa huyện Cầu Kè, huyện Càng Long, huyện Tiểu Cần và thành phố Trà Vinh. Sản phẩm đậu phộng huyện Cầu Ngang và huyện Duyên Hải. Sản phẩm rau huyện Châu Thành và thành phố Trà Vinh. Một số chính sách tỉnh đã và đang áp dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ quy định tại: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ, Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 và Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh,...

         - Về sản phẩm OCOP: Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm[[ii]], trong đó bao gồm: Danh mục phân loại sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm-OCOP, Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Căn cứ các văn bản của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đối với những nội dung thuộc thẩm quyền để chỉ đạo thực hiện.

         Để sản phẩm đạt OCOP, thì Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất phải đăng ký theo mẫu, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã để được hỗ trợ và được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP đánh giá đạt hay không đạt theo tiêu chí. Đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, gồm 05 hạng sao. Hạng 5 sao: Sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hạng 4 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hạng 3 sao: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao. Hạng 2 sao: Sản phẩm chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao. Hạng 1 sao: Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.

         Năm 2019, Trà Vinh có 30 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 4 sao của 23 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, trong đó, 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 27 sản phẩm đạt hạng 3 sao[[iii]]. Tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho sản phẩm OCOP, như: Hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm. Hỗ trợ chi phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh. Hỗ trợ xúc tiến thương mại hoặc tham gia hội chợ triển lãm. Hỗ trợ cơ sở có sản phẩm OCOP được nâng sao. Hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP.

         Chương trình đối thoại đã thành công tốt đẹp và được kỳ vọng hỗ trợ Doanh nhân trẻ, các Hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên và ĐVTN khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh, hiểu  những khó khăn, vướng mắc ở đâu để tháo gỡ. Đồng thời, tiếp cận được những chính sách và đi “đúng hướng”. Tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Về phía ngành nông nghiệp, sẵn sàng và luôn luôn đồng hành cùng tuổi trẻ Trà Vinh trên con đường khởi nghiệp[[iv]].

Văn Đoái



[[i]] Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030

[[ii]] Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm

[[iii]] Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh năm 2019

[[iv]] Bài viết sử dụng thông tin Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh và Sở, ban ngành tỉnh với Doanh nhân trẻ, các Hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên và ĐVTN khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2020 do Tỉnh đoàn và Ban quản lý Dự án SME Trà Vinh đã tổ chức tại Trường Đại học Trà Vinh, ngày 11/11/2020

Tin mới