Chung tay quản lý và khai thác cát bền vững

         Trà Vinh là tỉnh Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thuộc trung tâm nông nghiệp của Việt Nam, năng suất nông nghiệp của khu vực phụ thuộc rất nhiều vào nước lũ hàng năm và tải trầm tích của sông Mekong. Theo các nhà khoa học, trầm tích lưu vực Mekong khoảng 150-170 triệu tấn/năm và ĐBSCL trung bình nhận khoảng 79 triệu tấn/năm. Trong số này khoảng 9-13 triệu tấn lắng đọng ở các vùng ngập lũ và phần còn lại góp phần mở rộng châu thổ và làm phì nhiêu các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển. Tuy nhiên, do các đập thủy điện và khai thác cát, làm cho trầm tích giảm ngày càng giảm, trong 20 năm trầm tích giảm hơn một nửa, tác động đến nguồn nước và trầm tích ĐBSCL cũng ngày càng lớn. Hầu hết bờ biển của ĐBSCL đều bị xói lở với nhiều mức độ khác nhau. Mỗi năm sạt lở đã “ngốn” đến 500 ha đất của vùng với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến 3.040 m/năm. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu xâm nhập mặn càng làm cho ĐBSCL dễ bị tổn thương.

         Trước thực trạng trên, WWF Việt Nam (Wide Fund For Nature - WWF: Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) với đối tác chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phối hợp 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện Dự án giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công tư trong khai thác cát bền vững ĐBSCL. Mục tiêu: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng/tổng lượng trầm tích (chủ yếu là cát, sỏi) cho ĐBSCL. Tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về những tác động của việc khai thác cát và sỏi không bền vững, làm gia tăng thiên tai ở ĐBSCL. Tăng cường khả năng truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát, sỏi và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát, sỏi trong lĩnh vực xây dựng. Xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát, sỏi bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng chống thiên tai và phát triển bền vững ở ĐBSCL. Và cuối cùng là Chung tay quản lý và khai thác cát bền vững.

Đại diện WWF Việt Nam (thứ nhất và thứ hai bên phải) làm việc tại Trà Vinh, ngày 14/10/2020

         Để hoàn thành mục tiêu dự án, WWF Việt Nam thu thập thông tin từ các tỉnh về: Trữ lượng tài nguyên cát của tỉnh và phương thức xác định trữ lượng. Công tác quản lý tài nguyên cát của tỉnh, những kinh nghiệm và thách thức. Các thông tin liên quan đến Dự án. Các chính sách (của tỉnh) liên quan đến thăm dò, khai thác, quản lý và sử dụng cát. Chuỗi cung ứng cát trong tỉnh,...

         Tại Trà Vinh, cát được khai thác chủ yếu để san lấp mặt bằng bao gồm cát lòng sông, cát ven biển và cát giồng. Toàn tỉnh có 29 mỏ cát lòng sông và 7 mỏ cát ven biển. Trữ lượng cát lòng sông của toàn tỉnh khoảng 151,6 triệu m3, trong đó trữ lượng cho phép khai thác là 33,4 triệu m3. Đất cát giồng chiếm 7,55% diện tích đất toàn tỉnh, phân bố ở xã Nhị Trường, xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang), xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú), xã Long Hữu (thị xã Duyên Hải). Cát ven biển chủ yếu tập trung ở địa phận vùng biển thuộc thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải.

Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Ban hành quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 03/7/2019. Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản san lấp ven biển tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, cụ thể, giai đoạn 2016-2020: Diện tích 4.332,45 ha, trữ lượng 107,9 triệu m3; giai đoạn 2020-2030: Diện tích 4.631,02 ha, trữ lượng 123,2 triệu m3,…

         Từ năm 2006-2016, tỉnh đã cấp 37 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát lòng sông, cát ven biển) cho 18 đơn vị trong và ngoài tỉnh với tổng trữ lượng cấp phép khai thác hơn 7 triệu m3/năm, nhưng theo cơ quan quản lý, thực tế khai thác có thể cao hơn số lượng được cấp phép. Tỉnh đã thu hồi, đóng cửa 31 giấy phép, gia hạn 06 giấy phép khai thác cát lòng sông. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh cấp mới 01 giấy phép khai thác cát ven biển, cấp tận thu 02 giấy phép khai thác cát lòng sông. Hiện tại toàn tỉnh còn hiệu lực 05 giấy phép khai thác cát lòng sông và 01 giấy phép khai thác cát ven biển.

 

Một điểm tập kết cát

         Hoạt động khai thác cát thời gian qua đã góp phần đáng kể cung cấp nguyên vật liệu thi công các công trình, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Góp phần giải quyết việc làm và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên mà còn ảnh hưởng môi trường, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở nhiều nơi. Từ năm 2017-2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều điểm đê bao, bờ bao bị sạt lở, gồm cả đê bao, bờ bao bờ sông và đê bao, bờ bao bờ biển. Một số điểm sạt lở gần đây, như: Bờ kè thị trấn Cầu Ngang, bờ kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, đê bao Xa Xi I ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh,... các điểm sạt lở này đã và đang được duy tu, sửa chữa với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng.

         Về khai thác cát lòng sông trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp được cấp phép chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về khoáng sản. Tình trạng ghe có tải trọng nhỏ, không có giấy phép, hoạt động vào ban đêm hoặc ngày nghỉ trong tuần, tập trung bơm hút ở đầu cồn, bãi bồi và gần bờ gây sạt lở diễn ra phức tạp ảnh hưởng lớn đến môi trường. Thực hiện Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 13/4/2017 của Chính phủ, đến tháng 12/2019, tỉnh đã tổ chức thanh tra, nhắc nhở chấn chỉnh 371 tổ chức, cá nhân, tạm giữ 101 phương tiện vi phạm (ghe sắt, ghe gỗ), phạt tiền 322 trường hợp với số tiền trên 3,6 tỷ đồng.

         Để giảm việc khai thác cát, thì một trong những giải pháp là cần tìm nguồn nguyên liệu thay thế, trong đó xỉ than từ nhà máy nhiệt điện cũng cần được quan tâm. Trung bình mỗi năm các Nhà máy Nhiệt điện của tỉnh thải ra khoảng 1,5 triệu tấn tro bay và xỉ than, nếu được sử dụng trong xây dựng thì sẽ thay thế một lượng cát rất lớn.

         Cát không phải nguồn tài nguyên vô hạn và không tái tạo giống như các nguồn tài nguyên khác. Vì vậy, với những chủ trương, chính sách, quản lý của tỉnh và kết quả thực hiện Dự án của WWF Việt Nam (Dự án thực hiện từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2023) sẽ cùng chung tay quản lý và khai thác cát bền vững cho tỉnh nói riêng và Khu vực ĐBSCL nói chung.

Văn Đoái

 

Nguồn tài liệu sử dụng, trích dẫn:

- Cẩm Anh (2019), “Nóng" nguy cơ thiếu tài nguyên cát trên toàn cầu. https://enternews.vn/nong-nguy-co-thieu-tai-nguyen-cat-tren-toan-cau-164046.html, truy cập 29/10/2020

- Lê Hiền (2010), Nguy cơ nhiều cồn, vàm biến mất vì khai thác cát. https://www.vietnamplus.vn/nguy-co-nhieu-con-vam-bien-mat-vi-khai-thac-cat/48683.vnp, truy cập ngày 26/10/2020

- Bích Ngọc, Giảm trầm tích sông Mekong: Mối họa không còn là cảnh báo. https://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/giam-tram-tich-song-mekong-moi-hoa-khong-con-la-canh-bao-3275128/, rtuy cập ngày 29/10/2020

- Ngọc Quỳnh (2108) Liệu cát có phải là nguồn tài nguyên vô hạn? https://idesign.vn/eco-art/lieu-cat-co-phai-la-nguon-tai-nguyen-vo-han-142636.html, truy cập ngày 29/10/2020

- Nghị quyết số 61/2018/NQ-HĐND ngày 04/5/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát san lấp ven biển tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

- Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 21/12/2011 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ năm 2010 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

- Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 21/06/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

- Trà Vinh: Nỗi lo ô nhiễm khi bãi chứa tro, xỉ than của nhà máy nhiệt điện (2017). https://tinmientay.net/tra-vinh-noi-lo-o-nhiem-khi-bai-chua-tro-xi-cua-nha-may-nhiet-dien/, truy cập ngày 02/11/2020

- Trần Văn Sao (2020), Duy tu, sửa chữa các công trình đê điều, thủy lợi để chủ động phòng, chống trong mùa mưa bão 2020 (https://snnptnt.travinh.gov.vn/)

- Tài liệu tại buổi làm việc WWF Việt Nam với các Sở, ngành tỉnh Trà Vinh, ngày 14/10/2020

 

Tin mới