Tình hình xuất khẩu sản phẩm thủy sản tháng 9 năm 2020 và một số dự báo trong thời gian tới

         Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thì giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9 năm 2020 ước đạt 820 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6,03 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ (1,02 tỷ USD, tăng 7%), Nhật Bản (913,63 triệu USD, giảm 2,9%), EU (661,25 triệu USD, giảm 17,35%) Trung Quốc (700,57 triệu USD, giảm 3,3%) và Hàn Quốc (491,44 triệu USD, giảm 2,6%) là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020, chiếm 59,9% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

         Tại thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long dao động quanh mức 17.500-18.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700- 900g/con). Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hy vọng sẽ có bước phục hồi sớm tại thị trường EU sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Giá tôm đã tăng nhẹ trở lại, thị trường xuất khẩu tôm cũng đã xuất hiện những tín hiệu khởi sắc. Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giữ giá 190.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng cỡ lớn cũng tăng 10.000-15.000 đồng, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ 60 – 100 con/kg không tăng và hiện có giá khá thấp do sức tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và tình trạng thiên tai, bão lũ: cỡ 60 con/kg giảm 5.000 đồng/kg xuống còn 95.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg giảm 5.000 đồng/kg còn 90.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giảm 10.000-12.000 đồng/kg còn 70.000 – 72.000 đồng/kg.

Sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi tại xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang

 

         Tại Trà Vinh, giá cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng ổn định và tăng nhẹ theo thị trường. Cụ thể: giá cá tra dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 20 con/kg có giá từ 235.000 -245.000 đồng/kg, cỡ 25 con/kg có giá từ 210.000 – 220.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg có giá từ 185.000 – 195.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng cỡ 30 con/kg có giá từ 135.000 -145.000 đồng/kg, cỡ 50 con/kg có giá từ 107.000 – 111.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg có giá từ 70.000 – 75.000 đồng/kg (giá nông dân bán tại ao và tuỳ theo chất lượng tôm, cá). Các doanh nghiệp trong tỉnh thu mua được 5.290 tấn thủy sản (tôm sú 310 tấn, tôm thẻ chân trắng 4.978 tấn), chế biến 5.220 tấn, tiêu thụ 2.881 tấn, kim ngạch xuất khẩu 27,9 triệu USD.

         Trước những chuyển biến tích cực, chuyên gia của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã đưa ra một số dự báo và nhận định sau:

         (1) Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản sang EU tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ 2019. Điều đó phản ánh tác động tích cực của Hiệp định trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản được ưu đãi thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó thay đổi rõ rệt và tích cực nhất là tôm, mực, bạch tuộc. So với các nước đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế khi hưởng thuế 0% như sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh (mã HS03 đang chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam) so với Thái Lan đang bị áp mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2%; sản phẩm cá ngừ VN sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3 – 7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18%-24%. Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng ATVSTP đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường EU. Điều quan trọng là doanh nghiệp biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt và trung thực quy tắc xuất xứ của Hiệp định. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong Hiệp định, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững;

         (2) Dự báo xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm 2020 tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp lễ, tết cuối năm;

         (3) Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến do Undercurrent News tổ chức, sản lượng tôm năm 2020 toàn cầu dự báo đạt khoảng 3,17 triệu tấn, giảm 16% so với năm 2019.

         Cũng theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ngày 22/9/2020, Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc đã nhận được Công văn số 1099030167A ngày 17/9/2020 của               Tổng cục quản lý Thực phẩm và Dược, Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan (TFDA) thông báo về “Danh sách các cơ sở chế biến thuỷ sản của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Đài Loan” (List of Vietnamese fishery processing establishments authorized for export to Taiwan). Theo thông báo của TFDA, Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu cua sống (Live Crabs) hiện không đổi so với kỳ xét duyệt lần trước và có tới 699 cơ sở chế biến thuỷ sản của Việt Nam được TFDA cấp phép xuất khẩu sang Đài Loan, tăng 25 doanh nghiệp so với kỳ xét duyệt lần trước. Theo quy định, chỉ có các doanh nghiệp nằm trong Danh sách đã được TFDA xét duyệt mới được phép xuất khẩu thuỷ sản vào Đài Loan. Danh sách có hiệu lực từ ngày 30/9/2020 (tính từ thời điểm hàng hoá rời cảng). Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 02 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long (Cửu Long Seapro) và Công ty Cổ phần Đông lạnh Thủy sản Long Toàn (Long Toan Company), đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho ngành thuỷ sản cả nước nói chung và của tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Biên tập lại - Mộng Hằng

Tin mới