Cơ hội và thách thức đối với sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi khi thực thi Hiệp định EVFTA

         Việc cắt giảm thuế suất, cấp hạn ngạch, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thuận lợi hóa về thủ tục kiểm dịch động thực vật và tự chứng nhận xuất xứ là những cơ hội đối với sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa, những quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), môi trường, lao động và quy trình công nghệ sản xuất, chế biến,… cũng là thách thức cho nông sản Việt Nam nói chung và Trà Vinh nói riêng.

Hội thảo phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai Hiệp định EVFTA đối với ngành hàng trồng trọt và chăn nuôi

do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN & PTNT) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 08/10/2020

         Theo Hiệp định, với sản phẩm trồng trọt, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều đều có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với sản phẩm chăn nuôi, thuế bằng 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực với động vật sống, thịt lợn, thịt trâu bò đông lạnh và lộ trình sau 5-7 năm đối với thịt gia cầm và thịt gia súc qua chế biến.

        Hạn ngạch đối với gạo 80.000 tấn/năm, đường 20.000 tấn/năm (đường trắng 10.000 tấn/năm, sản phẩm chứa trên 80% đường10.000 tấn/năm), trứng gia cầm đã qua chế biến 500 tấn/năm, tỏi 400 tấn/năm, bắp 5000 tấn/năm, tinh bột mì 30.000 tấn/năm, nấm 350 tấn/năm và cồn etylic 1.000 tấn/năm. Đối với việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó, hàng rau quả (chiếm 49%). Thuận lợi hóa về thủ tục kiểm dịch động thực vật, EU công nhận tương đương về kiểm dịch của Việt Nam, hai bên thống nhất cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ từ các cơ quan chức năng.

         Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, bên cạnh cơ hội, sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của chúng ta chịu sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa như: Nhu cầu sử dụng các sản phẩm ngoại nhập đặc biệt là những sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ châu Âu đang ngày một gia tăng trong thời gian gần đây - EU là cường quốc thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ về xuất khẩu nông sản, năm 2019 xuất khẩu 181,9 tỷ EUR, xuất siêu 39,1 tỷ EUR nông sản. Về thuế, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế, chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm. Ngoài ra, các quy định về vệ sinh ATTP, kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT),... cũng sẽ tạo ra những khó khăn, cản trở nhất định tới hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

         Đối với Trà Vinh, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh thường tập trung chủ yếu vào số lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng các qui phạm thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GMP, HACCP,…) trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn rất hạn chế. Hoạt động chăn nuôi ở dạng quy mô nhỏ, lẻ, phát triển thiếu bền vững. Công tác xây dựng và tổ chức vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung chưa được chú trọng, còn tình trạng việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chất bảo quản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Việc liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa chặt chẽ, nguồn gốc, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu, thương hiệu chưa được chú trọng là những  khó khăn, thách thức nông sản của tỉnh nhà.

         Để tận dụng cơ hội và hạn chế khó khăn đối với sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi khi thực thi Hiệp định, Trà Vinh chúng ta: (1) Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất hàng nông sản cần chủ động, đổi mới trong mô hình, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản để tạo ra sản phẩm an toàn, đặc thù. Tạo ra thương hiệu có uy tín, chất lượng sản phẩm tốt, ổn định, giá bán hợp lý và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Sản xuất theo các tiêu chuẩn được châu Âu chấp nhận như: HACPP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP theo quy định của tổ chức thú y thế gới (OIE) đối với sản phẩm động vật và IPPC (International Plant Protection Convention - Hiệp ước quốc tế về bảo vệ thực vật) đối với sản phẩm thực vật. Sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thông qua sản xuất sản phẩm hữu cơ, giảm chi phí sản xuất. (2) Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng tính ổn định nguồn cung thông qua liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người nông dân. Tăng cường mối liên kết sản xuất-tiêu thụ thông qua liên doanh, liên kết với các đối tác trong cộng đồng EU và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường để việc xuất khẩu sang các nước EU một cách bền vững.

Sơn Sâm Phone

 

Nguồn: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: tài liệu Hội thảo phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai Hiệp định EVFTA đối với ngành hàng trồng trọt và chăn nuôi, tháng10/2020.

Tin mới