Công bố và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2020

         Vừa qua (ngày 18/9/2020), Sở Công Thương Trà Vinh đã tổ chức Lễ công bố và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2020.

Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để (cơ quan quản lý Nhà nước-NV) có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Hiện tại, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, được tổ chức hai năm một lần và theo 4 (bốn) cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. Cấp huyện thực hiện trong phạm vi quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Cấp tỉnh thực hiện trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cấp khu vực thực hiện trong phạm vi từng khu vực. Đối với tỉnh Trà Vinh thuộc khu phía Nam, gồm 20 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; và cao nhất là Cấp quốc gia thực hiện trong phạm vi cả nước.

Lễ công bố và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
 khu vực phía Nam năm 2020 (sử dụng nước uống “Sao Biển” sản phẩm được bình chọn)

         Cơ sở công nghiệp nông thôn gửi sản phẩm tham gia bình chọn trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin liên quan đến sản phẩm của mình. Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được đánh giá thông qua các tiêu chí cơ bản sau: Đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; Kinh tế-kỹ thuật-xã hội và môi trường; Tính văn hóa và thẩm mỹ; (và) Tiêu chí khác.

         Năm 2020, đây là lần thứ 5 tỉnh Trà Vinh có sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực; đồng thời là năm có số lượng sản phẩm được bình chọn nhiều nhất, và cũng là lần đầu tiên đứng đầu khu vực. Cụ thể, số lượng sản phẩm được bình chọn qua 5 lần như sau, năm 2012: 03 sản phẩm, năm 2014: 01 sản phẩm; năm 2016: 03 sản phẩm; năm 2018: 04 sản phẩm và năm 2020: 15 sản phẩm (đó là: Nước cốt dừa cấp đông; Bánh tráng ImexTraVinh; Bộ sản phẩm Tôm: Bơ gơ tẩm tỏi và thảo dược xuyên que, áo bột dầu chiên; Mật hoa dừa Sokfarm; Dầu dừa “Phương Huỳnh”; Chả hoa; Bộ ca cao nguyên chất; Bánh tét “Cô Hường”, Tôm khô; Tinh dầu gấc; mức dừa sáp Cẩm Hằng; Nước khoáng thiên nhiên đóng chai “Sao Biển”; Bánh tét 3 màu nhân thập cẩm “Hai Lý”; Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng); Bộ sản phẩm Trà: Đinh Lăng, Nhãn lồng, Măng tây, Tía tô, Sả, Hoa đậu biếc, Dứa). Cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực được cấp giấy chứng nhận, kỷ niệm chương và mức tiền thưởng là 3.800.000 đồng.

         Sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, phát triển sản xuất, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hàng hóa (nói chung) khó khăn trong tiêu thụ như hiện nay. Đồng thời, còn giúp cho doanh nghiệp có thêm “động lực” để không ngừng tìm tòi, cải tiến, tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, phát biểu tại buổi Lễ, đại diện doanh nghiệp sản xuất Mật hoa dừa Sokfarm kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong tỉnh về đầu ra sản phẩm, nguồn lực tài chính và khuyến khích phát triển sản phẩm đại diện vùng miền. Do, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính có hạn. Mặc dù sản phẩm đạt và đáp tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhưng doanh nghiệp “ngại” bán hàng qua kênh siêu thị, vì thời gian trả tiền mua hàng của siêu thị thường kéo dài, qua nhiều thủ tục, khiến cho doanh nghiệp bị “chôn vốn”. Nên chăng, cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp-ngân hàng-siêu thị. Khi doanh nghiệp bán hàng cho siêu thị, thì ngân hàng bảo lãnh trả tiền doanh nghiệp thay cho siêu thị và siêu thị có trách nhiệm trả tiền lại ngân hàng.

         Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương ghi nhận ý kiến phát biểu và lưu ý các doanh nghiệp cần chú trọng cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng-số lượng, tránh tình trạng chất lượng không đồng đều hoặc không đáp ứng được khi có yêu cầu lớn về số lượng. Mở rộng đầu tư phát triển sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nhất là tích cực tham gia các kỳ Hội chợ, hội nghị kết nối cung-cầu sản phẩm, các sự kiện có liên quan đến quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sở Công Thương sẽ luôn tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn có nhu cầu hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiếp cận chính sách khuyến công và xúc tiến thương mại một cách thuận lợi nhất, để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu đầu tư cấp thiết của cơ sở công nghiệp nông thôn trong mở rộng sản xuất kinh doanh. Nếu sản phẩm được lựa chọn tham gia bình chọn cấp quốc gia thì tích cực hoàn thiện hồ sơ đăng ký kịp thời.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cơ sở công nghiệp nông thôn lập hồ sơ tham gia bình chọn, cũng như sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả cao, phát triển bền vững[i].

 
Văn Đoái

[i] Nguồn tài liệu sử dụng, trích dẫn: Tài liệu tại Lễ công bố và trao giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2020 do Sở Công Thương Trà Vinh tổ chức ngày 18/9/2020.

Tin mới