Trà Vinh chuyển đổi cây trồng trên đất cát
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, cây đậu phộng (lạc) đã chứng tỏ được nhiều lợi thế trên đất cát.

Nông dân Mỹ Long Bắc thu hoạch đậu phộng

Khởi đầu từ Mỹ Long Bắc

Ngày nay, khi nói đến xã Mỹ Long Bắc, người ta thường liên tưởng vùng trọng điểm cây đậu phộng của huyện Cầu Ngang. Nhờ cây đậu phộng, đời sống của bà con nơi đây đã ổn định.
Trước đây, Mỹ Long Bắc vốn là vùng đất khó, hằng năm bà con chỉ sản xuất được một hoặc hai vụ lúa, vì phần lớn diện tích đất là đất cát pha và đất ruộng gò. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Mỹ Long Bắc thử nghiệm đưa cây đậu phộng vào trồng trên đất ruộng gò, triền giồng ở ấp Mỹ Thập và Nhứt A. Mô hình này nhanh chóng phát huy hiệu quả. Ðến nay, cây đậu phộng đã được bà con nông dân nhân rộng ra các ấp Bến Ðáy A, Bến Kinh, Bến Cát, Thạnh Mỹ với tổng diện tích lên 900/1.300 ha đất sản xuất toàn xã, chiếm 36% diện tích đậu phộng của huyện.

Ngày nay, các giống đậu phộng địa phương năng suất thấp được thay bằng các giống đậu phộng cao sản, năng suất bình quân đạt 40 giạ/công, cá biệt có nhiều hộ đạt đến 60 - 70 giạ/công.

Anh Út Tý, ở ấp Bến Kinh tính toán hiệu quả kinh tế của việc trồng đậu phộng. Anh cho biết, năm trước cũng tại mảnh đất này anh trồng được 45 giạ/công, với giá bán 66.000 đồng/giạ tại ruộng, quy ra mỗi ha thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ. Mỗi năm anh trồng hai vụ đậu phộng và một vụ lúa, tính ra tổng thu nhập hơn 70 triệu đồng/ha/năm. Năm nay, năng suất đậu phộng giảm, nhưng giá đậu phộng khá cao, thu nhập đến 43 triệu đồng/ha/vụ. Nếu như vụ đậu phộng sau giá cũng đứng ở mức này thì mỗi ha đất trồng được hai vụ đậu, một vụ màu hoặc hai vụ đậu phộng và một vụ lúa đều có thể đạt mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/ năm. Chính vì thu nhập, hiệu quả kinh tế của cây đậu phộng cao, nông dân Mỹ Long Bắc hầu như đã chuyển tất cả diện tích đất có thể trồng được sang trồng đậu phộng.

Nhờ trồng đậu phộng mà Mỹ Long Bắc đã hình thành được cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích chuyên canh ba vụ/năm ở ấp Nhứt A, Mỹ Thập đạt giá trị hơn một trăm triệu đồng/ha. Từ việc phát triển mạnh cây đậu phộng đã giúp người dân ở đây thoát nghèo, vươn lên khá giả, như hộ anh Trần Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thảnh, Nguyễn Khải Hoàn, Huỳnh Văn Phước. Cũng nhờ cây đậu phộng nhiều hộ dân đã có tích lũy để đầu tư sản xuất lớn hơn. Người dân tận dụng các nguồn phụ phẩm của cây đậu phộng để phát triển nghề chăn nuôi, với 21 trang trại nuôi bò sinh sản.

Từ thực tế này, năm 2007, nông dân huyện Cầu Ngang đã trồng 2.905 ha đậu phộng, tập trung tại các xã Long Sơn, Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Nhị Trường... Nhờ sức thu hút từ hiệu quả kinh tế do cây đậu phộng mang lại, việc đưa đậu phộng đến các ấp có đông đồng bào Khmer trong huyện Cầu Ngang để trồng khá thuận lợi. Bà con tích cực tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, nên năng suất bình quân đạt 47 - 50 giạ/công. Chỉ riêng đậu phộng, nông dân Cầu Ngang thu lợi hơn 47 tỷ đồng. Chính vì sức hút ấy, diện tích cây đậu phộng ngày càng lan rộng sang các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành... Nếu như năm 2002, diện tích trồng đậu phộng cả tỉnh chỉ ở con số 2.000 ha, thì đến năm 2006 đã tăng lên 3.700 ha và hiện nay đã hơn 4.200 ha. Mang lại lợi nhuận cho người trồng đậu khoảng 100 tỷ đồng.

Hiệu quả của việc trồng đậu phộng

Thạc sĩ Trang Tửng, Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, nói: Cây đậu phộng có rất nhiều lợi thế trên đất cát tỉnh Trà Vinh. Trồng đậu phộng ngoài thu hoạch sản phẩm chính là củ, nông dân còn tận dụng thân lá cây đậu phộng làm thức ăn cho bò rất tốt. Ðậu phộng là loại cây rễ có rất nhiều nốt sần có khả năng cố định đạm từ khí trời, vì vậy sau thu hoạch để lại cho đất một lượng đạm khá lớn, góp phần cải tạo đất, giảm chi phí bón phân đạm cho vụ sau. Vỏ củ đậu xay nhuyễn thay bột cỏ làm thức ăn cho gia súc.
Ðánh giá về lợi thế kinh tế từ trồng đậu phộng trên đất cát ở tỉnh Trà Vinh, PGS, TS Nguyễn Bảo Vệ, Trưởng khoa Nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ, nhận xét: "Ðất ở đây không bị lũ, cho nên vùng đất này phát triển cây đậu phộng có ưu thế. Từ đây có thể đưa ra mô hình trồng đậu phộng có màng phủ, cá biệt có nhiều hộ đạt sản lượng 60-70 giạ/ công. Song điều quan trọng là có thể trồng quanh năm. Sản lượng thu hoạch có khả năng đáp ứng đủ cho một nhà máy chế biến dầu thực vật tại Trà Vinh".

Cơ hội phát triển cây đậu phộng

Từ những thành công ban đầu, tỉnh Trà Vinh đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng đậu phộng lên gần chục nghìn ha. Xem đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Lấy cây đậu phộng là một trong những cây trồng nhằm xóa nghèo và tăng thu nhập, tỉnh đề ra chương trình khuyến nông để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trồng đậu phộng ở những vùng đất cát. Tuy nhiên trở ngại trước nhất trong việc đẩy nhanh diện tích trồng đậu phộng là cần nguồn vốn khá lớn (khoảng 12 triệu đồng/ha/vụ) vượt ngoài khả năng đầu tư của những hộ nghèo.
Hai là, Trà Vinh chưa xây dựng được vùng sản xuất giống. Nguồn giống chưa chủ động cho nên thường thiếu giống tốt và giá cao (đậu phộng giống cho vụ đông xuân thường cao từ 1,5 đến hai lần).

Tuy nhiên khi mở rộng diện tích trồng cây đậu phộng, Trà Vinh cần phải cân nhắc kỹ. Bởi vì, hiện nay, hầu hết người dân trồng màu ở vùng đất cát, đều sử dụng nguồn nước từ các giếng khoan để tưới. Bên cạnh đó, người nuôi tôm cũng khai thác nước ngầm để phục vụ nuôi tôm. Có thể nói việc khai thác mạch nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, tưới cho cây trồng ở Trà Vinh sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, và nguy cơ làm nhiễm mặn tầng nước ngầm.

Chính vì vậy, Trà Vinh cần phải nhanh chóng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi (kênh nổi) để dẫn nước ngọt về phục vụ trồng màu và phát triển diện tích đậu phộng trên vùng đất cát, thuộc các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú... Có như vậy, cây đậu phộng mới trở thành cây trồng chủ lực ở Trà Vinh.

Theo: http://www.nhandan.com.vn


Tin mới