Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2013
Ngày 12 tháng 06 năm 2013, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phòng trị bệnh tôm nước lợ năm 2013 tại Trung tâm Văn hóa Hội nghị tỉnh Sóc Trăng.


Hội nghị bàn giải pháp nuôi tôm nước lợ năm 2013 
tại Trung tâm Văn hóa Hội nghị tỉnh Sóc Trăng

Thành phần tham dự hội nghị có Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ; các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thú y 26 tỉnh thành ven biển, đại diện Hiệp hội, một số doanh nghiệp và cơ sở nuôi điển hình.

Sau khi nghe Tổng cục Thủy sản thông qua báo cáo về kết quả xác định nguyên nhân gây chết tôm tại Việt Nam và giải pháp phòng trị; Báo cáo tổng kết nghiên cứu hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nước lợ của Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I; Báo cáo kết quả xác định tác nhân chính gây chết tôm sú, tôm chân trắng ở Việt Nam của Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ; Báo cáo tham luận của các tỉnh, các Hiệp hội và cơ sở nuôi điển hình. Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn kết luận nguyên nhân gây ra bệnh hoại tử gan tụy và đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại trên tôm nuôi nước lợ các tháng còn lại năm 2013 như sau:

  1. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy ở tôm nuôi. Nguyên nhân là do tôm giống chất lượng xấu (nhiễm Vibrio, có dấu hiệu bất thường ở gan tụy, thậm chí đã hoại tử gan tụy), do đó phải kiểm soát tốt về chất lượng giống trước khi thả nuôi.

2. Một số yếu tố môi trường làm tôm nuôi bệnh trầm trọng hơn là: Nhiệt độ cao, độ mặn cao, pH cao, oxy thấp, ô nhiễm hữu cơ,.... Vì vậy phải tăng cường cung cấp đầy đủ oxy cho ao nuôi cũng như quản lý các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, độ mặn thích hợp.

3. Phải có ao lắng, xử lý nước và cải tạo ao nuôi thật tốt.

4. Thả nuôi với mật độ thấp, áp dụng ương tôm post khoảng 3 – 4 tuần thành tôm giống lớn trước khi thả ra ao nuôi thương phẩm.

5. Kiểm soát vibrio trong môi trường nước, định kỳ diệt khuẩn, bổ sung vi sinh có lợi vào ao nuôi, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn Nitrosomonate và Nitrobacter phát triển trong ao nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ oxy và bổ sung mật đường để khống chế Vibrio phát triển ở mật độ cao.

6. Bổ sung khoáng đa lượng và vi lượng vào môi trường ao nuôi.

Minh Truyền

Tin mới