Hội thảo định hướng chiến lược phát triển nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam
Ngày 06 tháng 08 năm 2013, tại tỉnh Bạc Liêu, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Anh Tuấn chủ trì hội thảo:” Định hướng chiến lược phát triển nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam”, với mục tiêu thảo luận những thuận lợi, khó khăn và rủi ro đối với phát triển nuôi tôm chân trắng nhằm đưa ra cơ sở khoa học để quy hoạch và hoạch định chính sách phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam.


Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý có liên quan ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu và trường đại học, hiệp hội và một số doanh nghiệp.

 

Nhận định tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi, Cục thú y cho biết bệnh đốm trắng xuất hiện hầu hết các tỉnh nuôi tôm cả nước từ tháng 3 và tăng lên ở tháng 4, 5, 6, tháng 7 xuất hiện ít trên diện tích 7.030ha. Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên cả nước là 5.460 ha, thấp hơn so với năm 2012 (35.254ha).

Qua báo cáo của Tổng cục Thủy sản và trao đổi tại hội nghị đã nêu lên một số vấn đề cần nghiên cứu trong thời gian tới là:

 

- Hiện nay chỉ có quy hoạch cho tôm sú, chưa có quy hoạch cho nuôi tôm chân trắng, nhất là tôm chân trắng cần phải quy hoạch riêng hay nuôi chung với tôm sú, vì nhiều tỉnh phát triển ồ ạt nuôi tôm chân trắng sau vài năm đã bị thiệt hại nghiêm trọng.

 

- Thời vụ nuôi tôm chân trắng thả nuôi quanh năm hay có quy định thời gian ngắt vụ cụ thể vì hiện nay giá tôm thương phẩm đang ở mức cao.

 

- Quy trình chuẩn cho nuôi tôm sú và tôm chân trắng áp dụng trong điều kiện dịch bệnh hiện nay chưa được cập nhật và ban hành kịp thời.

 

- Công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào hiện nay chưa tốt, các loại sản phẩm xử lý cải tạo môi trường phục vụ nuôi tôm quá nhiều (có trên 2.200 sản phẩm sản xuất trong nước, 500 sản phẩm nhập khẩu), thức ăn thường xuyên tăng giá, vẫn còn nhiều sản phẩm kém chất lượng, không có trong danh mục được phép lưu hành gây thiệt hại cho người nuôi.

 

- Chưa tổ chức được sản xuất theo mối liên kết dọc và ngang, còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều.

 

- Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm còn nhiều hạn chế chưa theo kịp sự phát triển của ngành, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vùng nuôi dễ bị ô nhiễm và bùng phát dịch.

 

- Chậm ban hành quy trình kiểm tra chất lượng giống về bệnh hoại tử gan tụy cấp để các địa phương triển khai thực hiện.

 

- Quản lý nhà nước về thú y thủy sản trách nhiệm không rõ ràng, nên quy về đầu mối, không nên để nhiều đơn vị cùng quản lý như hiện nay.

 

Tổng cục phó Tổng cục Thủy sản Nguyễn Anh Tuấn đã tiếp thu các ý kiến trao đổi tại hội nghị, sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết trong thời gian sớm nhất. Một Vài ý kiến kết luận của Ông như sau:

 

1. Tôm chân trắng sẽ được nuôi với hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, không được nuôi quãng canh, quãng canh cải tiến, tôm - rừng và tôm - lúa.

 

2. Năm 2013 có thể duy trì lịch thời vụ nuôi tôm chân trắng đến cuối năm tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương do hiện nay các nước có nuôi tôm trên thế giới bị thất mùa nên giá có thể ổn định như hiện nay hoặc tăng cao hơn.

 

3. Quy hoạch nuôi tôm chân trắng và quy định về quản lý nhà nước về thú y thủy sản sẽ trình Bộ có chuyên đề hội thảo riêng.

 

Đối với tỉnh Trà Vinh đến ngày 31/07/2013 đã kết thúc vụ nuôi tôm năm 2013. Đầu năm Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú và tôm chân trắng, đặc biệt là tôm chân trắng chỉ cho nuôi ở mật độ từ 30-60 com/m2. Khuyến cáo các hộ nuôi tôm trong tỉnh nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn lịch mùa vụ và mật độ nuôi nhằm đảm bảo môi trường, đạt hiệu quả, có thời gian ngắt vụ để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi 2014.


Minh Truyền

Tin mới