Nông nghiệp đô thị

Những năm qua, nhiều tỉnh và thành phố bắt đầu quan tâm phát triển nông nghiệp đô thị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ có chuyên mục riêng về nông nghiệp đô thị trên website, tỉnh Bình Dương ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị-nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 và nhất là thành phố Hồ Chí Minh - một trong những địa phương đi đầu cả nước, đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp đô thị. Tại tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/12/2017 về lãnh đạo phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó “quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đô thị” là một một trong những giải pháp xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

            Vậy nông nghiệp đô thị là gì? Theo một số tác giả thì nông nghiệp đô thị là hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên trong hoặc bên cạnh đô thị, nó gắn chặt với hệ thống kinh tế-xã hội của đô thị, chịu sự tác động bởi quy hoạch, kế hoạch, chính sách và nhu cầu của đô thị. Về khía cạnh khoa học và công nghệ, theo PGS.TS.Trần Thị Ba, Trường Đại học Cần Thơ, tại Hội thảo “Sản xuất rau an toàn và giải pháp đầu ra” do Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Trà Vinh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 01/12/2017 thì có thể hiểu đó là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: Công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

 
Trồng dưa Lưới trong nhà lưới, Nha Đam trong chậu

 

           Sản xuất nông nghiệp đô thị nhằm đạt các mục tiêu: (1) nâng giá trị sử dụng đơn vị diện tích sản xuất, (2) tăng thu nhập cho người sản xuất, (3) nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm trong điều kiện hội nhập, (4) tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với con người, với xã hội.     

             Để đạt được điều này, thành phố Hồ Chí Minh đã xác định sản xuất nông nghiệp đô thị phải gắn liền với xây dựng Nông thôn mới; nông nghiệp đô thị là một trong những nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển từ phát triển chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận; mở rộng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, gia tăng sản lượng. Thành phố ưu tiên phát triển hoa, lan, cây kiểng, cá cảnh; nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản kết hợp làm du lịch sinh thái. Một thí dụ về ngành hàng cá cảnh, nếu như năm 2014 Thành phố xuất khẩu 11 triệu con, thì từ tháng 12/2016-10/2017 đã đạt gần 16,25 triệu con, kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD và phấn đấu trong năm 2017 đạt từ 18-20 triệu con, kim ngạch đạt khoảng 20-25 triệu USD; dự kiến đến năm 2020, sẽ là 40-50 triệu con, kim ngạch đạt 40-50 triệu USD (Dẫn: Chinhphu.vn).

Nuôi cá Koi (Nhật Bản)

 Những yếu tố tạo nên sự thành công về nông nghiệp đô thị của thành phố Hồ Chí Minh đó là: (1) định hình được thế mạnh hay nói cách khác, tìm được cây trồng, vật nuôi phù hợp, (2) thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp cụ thể là “chất lượng, giá trị thay cho số lượng”, (3) Thành phố đã triển khai những mô hình áp dụng công nghệ cao (như công nghệ của Israel) để người dân học tập và áp dụng (4) và cuối cùng quan trọng là cơ chế, chính sách, việc phát triển nông nghiệp đô thị sẽ chỉ là định hướng nếu không có những chủ trương, chính sách khuyến khích người dân và nhà đầu tư vào nông nghiệp thì sẽ khó có được kết quả. Thành phố đã ban hành nhiều quyết định nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị năng suất cao, sản xuất tập trung và những quyết định này luôn được Thành phố sửa đổi, cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế.

            Trở lại với tỉnh Trà Vinh, có thể nói nông nghiệp đô thị vẫn còn là điều mới mẻ, việc phát triển nông nghiệp đô thị có thể sẽ gặp nhiều vướng mắc, nhưng Trà Vinh có lợi thế đó là: Có thể học tập những thành công và những hạn chế của các tỉnh đi trước, từ đó đưa ra giải pháp áp dụng cho phù hợp với điều kiện của tỉnh. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp độ thị tại tỉnh Trà Vinh, theo người viết cần:

            Thứ nhất, phải xác định được cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, và thế mạnh của tỉnh để phát triển, thuận lợi về thị trường tiêu thụ. Đặc trưng của nông nghiệp đô thị là diện tích sản xuất thường không lớn, do vậy ưu tiên phát triển những loại sinh, vật cảnh hoặc đặc sản có giá trị, chất lượng đáp ứng theo thị trường.

           Thứ hai, ngoài những cơ chế, chính sách chung về phát triển nông nghiệp, cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho phát triển nông nghiệp đô thị; cơ chế, chính sách này phải đáp ứng được tình hình thực tiễn của tỉnh. Cần phải quy hoạch và có kế hoạch sử dụng đất theo hướng tập trung, chuyên canh. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi về sử dụng đất, vốn, thu hút đầu tư công nghệ cao.

Thứ 3, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao để người dân học tập và áp dụng, đồng thời phải hỗ trợ người dân tìm đầu ra cho sản phẩm như: Xây dựng trung tâm giao dịch, chợ đầu mối, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Cần phải có sự liên kết sản xuất (trong và ngoài tỉnh) như thành lập các hội, các câu lạc bộ, hợp tác xã nhằm có sự trao đổi hỗ trợ lẫn nhau (về kinh nghiệm, về giống, kỹ thuật, thức ăn, phân bón, đầu ra, xây dựng thương hiệu…), sản xuất an toàn, giảm chi phí giá thành và có thể cung ứng về số lượng theo yêu cầu của thị trường.

Thứ tư, cần có ban chỉ đạo/điều hành và chuyên gia tư vấn xây dựng các cơ chế, chính sách; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ giỏi về kỹ năng thực hành theo từng lĩnh vực (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản...) để hỗ trợ các cá nhân hoặc tập thể về sản xuất nông nghiệp đô thị.

Có thể nói rằng trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp đô thị là một trong những giải pháp, hướng đi đúng. Cũng tại Hội thảo “Sản xuất rau an toàn và giải pháp đầu ra”, PGS.TS.Trần Thị Ba cho rằng một trong những giải pháp sản xuất ra an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị đó là nông nghiệp đô thị. Mặc dù còn mới và quá trình triển khai, thực hiện chắc chắn sẽ gặp không ít trở ngại, nhưng hy vọng nông nghiệp đô thị sẽ thành công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong thời gian sắp tới./.

            Bài, ảnh: Trần Văn Đoái

(*): Trong bài có sử dụng một số thông tin từ Internet

Tin mới