Xã hội hóa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên địa bàn huyện Tiêu Cần

 Xã hội hóa về công tác thú y có thể hiểu ngắn gọn là tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực cùng với Nhà nước thực hiện các hoạt động liên quan đến thú y.
          Tại khoản 3 Điều 4 Luật Thú y (2015) quy định: ”Phòng, chống dịch bệnh động vật trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật kịp thời, hiệu quả”. Điều 5, Luật Thú y chi tiết rõ hơn chính sách của Nhà nước về hoạt động thú y, trong từng thời kỳ Nhà nước có chính sách cụ thể đầu tư hỗ trợ kinh phí hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y (khoản 1) và một trong các hoạt động Nhà nước khuyến khích đó là “xã hội hóa hoạt động thú y” (khoản 2).
          Đối với công tác tiêm phòng vắc xin thường xuyên trên địa bàn tỉnh, để từng bước xã hội hóa, ngày 18/01/2016, Ủy ban nhân dân ban tỉnh Trà Vinh hành Quyết định số 72/2016/UBND quy định: ”Ngân sách hỗ trợ vắc xin, công tiêm phòng tại địa bàn có nguy cơ phát dịch cao (có dịch bệnh năm trước liền kề) thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) và hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ dưới 50 con; đối với đàn gia cầm từ 50 con đến 500 con, hộ chăn nuôi trả tiền vắc xin, ngân sách hỗ trợ công tiêm phòng; đối với đàn gia cầm lớn hơn 500 con, bắt buộc hộ chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi được cấp phiếu sau khi tiêm phòng” (khoản 2 Điều 1).
          Năm 2018, tiếp tục thực hiện Quyết định số 72/2016/UBND, Ủy ban nhân dân huyện Tiểu Cần đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần phối hợp chính quyền, đoàn thể huyện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nắm rõ, hiểu về các chính sách, quy định trong tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm (H5N1), hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật về tiêm phòng vắc xin để người dân tự tiêm phòng cho đàn gia cầm có sự giám sát của cơ quan chuyên môn.
          Kết quả, những tháng đầu năm 2018, toàn huyện tiêm được 69.000 liều vắc xin cúm gia cầm, trong đó, hộ nuôi gia cầm đã tự mua vắc xin về tiêm 68.500 liều (chiếm 99,27%), đạt gần 40% kế hoạch năm 2018, tăng 105% so cùng kỳ năm 2016 và tăng 89% so cùng kỳ năm 2017. Ước tính, số tiền xã hội hóa (tiền vắc xin và tiền công tiêm phòng) năm 2016 là 39,5 triệu đồng, năm 2017 là 42 triệu đồng, những tháng đầu năm 2018 khoảng 37 triệu đồng.


  

Nuôi vịt đàn tại huyện Tiểu Cần

 

           Đạt được kết quả trên, ngoài công tác tuyên truyền, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn thực hiện các biện pháp đồng bộ khác như: Chuẩn bị đầy đủ vắc xin, trang thiết bị đáp ứng kịp thời theo nhu cầu của người chăn nuôi; cùng với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc nuôi mới, tái đàn; quản lý tốt công tác cấp sổ… Vì vậy, đã góp phần nâng cao ý thức của người chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, không còn tư tưởng trông chờ hay ỷ lại vào hỗ trợ tiêm phòng vắc xin miễn phí và được người dân ủng hộ.
Xã hội hóa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm (H5N1) dần đi vào cuộc sống, đây là tín hiệu thuận lợi để huyện (có thể) tiếp tục triển khai xã hội hóa những loại vắc xin khác và xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm trên địa bàn huyện trong thời gian tới.


 
                                                                             Bài và ảnh: Đỗ Trọng Phao
                                                              Trạm Chăn nuôi và Thú y Tiểu Cần

Tin mới