Hội thảo - tập huấn kết quả nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật quy trình ương ấu trùng và giống Tôm càng xanh theo công nghệ Biofloc

Ngày 29/8/2018, tại Hội trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trường Đại học Cần Thơ kết hợp với Trung tâm Giống Trà Vinh tổ chức Hội thảo - tập huấn kết quả nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật quy trình ương ấu trùng và giống Tôm càng xanh theo công nghệ Biofloc trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng quy trình ương ấu trùng và ương giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergil) chất lượng cao bằng công nghệ Biofloc” do Gs.Ts. Trần Ngọc Hải, Phó trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm đề tài, thuộc Dự án AMD Trà Vinh làm chủ quản. 
          Tham dự Hội thảo có trên 81 đại biểu là đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Dự án AMD Trà Vinh, đại diện Phòng Nông nghiệp các huyện và đại diện UBND các xã có tiểm năng nuôi tôm càng xanh đến dự.

 

                                 

Ông Lê Phước Dũng, PGĐ Dự án AMD Trà Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo

 

           Tôm càng xanh có khả năng sống và tăng trưởng rất tốt trong khoảng độ mặn từ 0-15ppt, ít nhiễm bệnh, chất lượng tốt, giá cao. Hiện nay, mô hình nuôi tôm càng xanh đang ngày càng phát triển, nhất là mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh trong ao nuôi tôm nước lợ. Do đó, nhu cầu về giống tôm càng xanh ngày cao. Tuy nhiên, nguồn giống và chất lượng giống tôm càng xanh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi.
          Trên cơ sở đó, mục tiêu của đề tài là: xây dựng được quy trình sản xuất giống và ương giống tôm càng xanh áp dụng Biofloc để sản xuất tôm giống chất lượng cao, năng suất cao, an toàn sinh học, tiết kiệm nước, thức ăn và chi phí sản xuất, giảm thiểu chất thải môi trường, thích ứng với thời tiết khắc nghiệt cực đoan; Sản xuất được tôm giống lớn và có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu con giống, chủ động mùa vụ, rút ngắn thời gian nuôi tôm càng xanh thương phẩm, phù hợp mùa vụ với các mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh, kết hợp với tôm biển, kết hợp lúa nhằm thíc ứng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và xâm nhập mặn ở từng địa bàn đặc thù ở tỉnh Trà Vinh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
           Nội dung nghiên cứu của đề tài: (1) Nghiên cứu phát triển quy trình nuôi ương ấu trùng tôm càng xanh áp dụng công nghệ Biofloc; (2) Nghiên cứu phát triển quy trình ương giống tôm càng xanh kích cỡ lớn áp dụng công nghệ Biofloic; (3) Triển khai các mô hình sản xuất giống và ương tôm ở địa phương và tập huấn mở rộng mô hình, phục vụ thích ứng biến trong điều kiện đổi khí hậu ở Trà Vinh.

                               

GS.TS. Trần Ngọc Hải báo cáo kết quả nghiên cứu tại Hội thảo

 

           Kết quả nghiên cứu cho thấy:
          (1)Ương ấu trùng tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ biofloc tại trại Ngãi Hiệp và trại Hiệp Mỹ thuộc Trung tâm giống Trà Vinh bằng thức ăn công nghiệp, giai đoạn đầu không thay nước, không siphon, khi tôm chuyển sang post thì thay nước 30% nước bể ương/lần, 2 ngày thay nước 1 lần,  khi tôm chuyển post hoàn thì thu hoạch. Tỷ lệ sống PL>40%, độ mặn từ 10-12/ngàn; 
         (2) Ương giống tôm càng xanh toàn được bằng công nghệ biofloc tại trại Ngãi Hiệp và trại Hiệp Mỹ thuộc Trung tâm giống Trà Vinh bằng thức ăn công nghiệp có 40% đạm, không thay nước, không siphon  trong quá trình ương, sục khí mạnh, sau khi ương được 25 đến 30 ngày thì thu hoạch, kích cỡ tôm >3cm. Tỷ lệ sống tôm giống >70%.
         Qua kết quả đạt được, đề tài sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh bằng công nghệ biofloc nhằm giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, hướng tới vùng nuôi bền vững tại tỉnh Trà Vinh.


Tin, ảnh: Trần Thị Thanh Nhã

Tin mới