Nỗ lực tự cứu của Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh
Trà Vinh được xem là vùng mía nguyên liệu lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với 5.520 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Trà Cú có trên 5.000 hộ chuyên sống bằng nghề trồng mía, diện tích gần 4.320 ha. Cây mía từng được xem là cây trồng chủ lực, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của một số địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, người trồng mía “điêu đứng” vì giá mía xuống quá thấp, chỉ riêng huyện Trà Cú, ước tính niên vụ mía năm 2018 - 2019 người trồng mía thua lỗ lên đến 26 tỷ đồng, mỗi hecta thua lỗ khoảng 10 -20 triệu đồng.
Người trồng mía không còn “mặn mà” với cây mía, vì vậy diện tích trồng mía ngày càng giảm. Chỉ riêng huyện Trà Cú, theo số liệu của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng mía niên vụ năm 2019 - 2020 tại huyện chỉ còn 3.058 hộ trồng mía, diện tích 2.465,79 ha (giảm 1.044 ha so cùng kỳ năm trước,  tương đương 29,75%). Một số địa phương như: Xã Long Thới (huyện Tiểu Cần), xã Thanh Sơn, xã Định An (huyện Trà Cú),… đã gần hoặc hoàn toàn “xóa sổ” cây mía, điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người trồng mía mà còn gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh.

Ruộng mía tại xã Kim Sơn, huyện Trà Cú (ngày 04/10/2019) 
  Theo Báo cáo, xã Kim Sơn còn 775,54 ha đất trồng mía đứng thứ hai   trên địa bàn huyện sau xã Lưu Nghiệp Anh 1.094 ha.
                                                                          
Trước thực trạng trên, Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh (tại ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) đang nỗ lực để tự cứu mình và để duy trì vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Niên vụ mía năm 2019-2020, Công ty đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ trồng mía như: Chính sách đầu tư vốn cho trồng và chăm sóc mía (hỗ trợ chi phí làm đất bằng máy, giống mía, lãi suất các khoản vay, phân bón - bao gồm phân bón thông minh); Chính sách thu mua - thanh toán tiền mía (trong đó giá bảo hiểm đối với mía nguyên liệu là 700.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS, giá mua tại ruộng bốc lên phương tiện vận chuyển của bên mua, nếu giá thị trường cao hơn thì mua theo giá thị trường, thanh toán chậm nhất không quá 15 ngày); Chính sách hỗ trợ người trồng mía (hỗ trợ cải tạo đất, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng - từ cây trồng khác sang trồng mía). Ngoài ra, Công ty còn có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo mía các huyện, xã, ấp,…
Thông qua các chính sách hỗ trợ và các cuộc gặp gỡ giữa Công ty - người trồng mía, đã có trên 1.100 ha diện tích mía tại huyện Trà Cú, huyện Tiểu Cần ký hợp đồng bán sản phẩm cho Công ty.
Theo đại diện Công ty, mặc dù diện tích mía theo hợp đồng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất thiết kế của nhà máy nhưng đây là nỗ lực rất lớn của Công ty trong việc duy trì vùng nguyên liệu mía của tỉnh, duy trì việc làm cho khoảng 300 lao động đang làm việc tại nhà máy và tạo việc làm cho người trồng mía, vận chuyển mía,…
Với những chính sách hỗ trợ trồng mía đã và đang áp dụng, Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh hy vọng sẽ cùng với người trồng mía có thể vượt qua khó khăn hiện tại và mong chờ sự “khởi sắc” trở lại của cây mía trong thời gian tới.

Văn Đoái
Tin mới