Trà Vinh 4 năm liền được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp hạng vào nhóm địa phương triển khai tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

         Ngày 31/3/2023,  Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022.

         Theo kết quả xếp hạng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, có 63 tỉnh, thành phố cả nước về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022, trong đó có 42  tỉnh, thành phố được xếp hạng vào nhóm địa phương triển khai tốt và 21 tỉnh, thành phố còn lại được xếp vào nhóm địa phương triển khai đạt yêu cầu công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản.

         Trà Vinh với 88,5 điểm được xếp được xếp vào nhóm địa phương triển khai tốt, đứng hạng thứ 6 trong 63 tỉnh, thành phố về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tăng 9 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, trong 05 năm gần đây tỉnh Trà Vinh từ  xếp hạng 24/63 tỉnh, thành trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại năm 2018 đã có bước cải tiến đáng kể đến nay xếp hạng thứ 6/63 tỉnh, thành phố của cả nước và 4 năm liền được Bộ Nông nghiệp và PTNT xếp hạng vào nhóm địa phương triển khai tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Tổ chức các tập huấn, tuyên truyền về kiến thức ATTP nông lâm thủy sản
cho cán bộ quản lý ở địa phương

         Việc triển khai đánh giá, xếp hạng các địa phương về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện hàng năm trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước theo Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại địa phương, được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 4070/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/10/2015, bao gồm các tiêu chí (1) Chỉ đạo, điều hành công tác quản lý an toàn thực phẩm; (2) tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; (3) giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; (4) tăng cường năng lực công tác quản lý an toàn thực phẩm; (5) xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Thực hiện công tác thanh kiểm tra và lấy mẫu tại cơ sở

         Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong thời gian tới, các địa phương cần xây dựng các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể để thực hiện tại địa phương mình, nhất là cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, có mã số vùng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị hữu quan, chủ động tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ để hình thành các chuỗi. Bên cạnh đó, cần quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngành nông nghiệp.

Mai Nguyên Gia Lâm

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới