Ảnh hưởng của triều cường đến sản xuất và công trình giao thông nông thôn, một số giải pháp phòng, tránh

         Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Trà Vinh, triều cường các tháng mùa khô năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp. Thực tế, mực nước triều đã xuất hiện mốc lịch sử mới. Tại Vàm Trà Vinh, ngày 25/01/2023 mực nước đạt 221 cm, cao hơn mức lịch sử năm 2020 là 4cm. Triều cường dâng cao đã gây thiệt hại làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, gây hư hỏng một số công trình giao thông, đê bao, bờ bao ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.  Theo báo cáo từ các địa phương, đợt triều cường dâng cao đã gây sạt lở, vỡ đê bao, bờ bao với tổng chiều dài 2.166m và tràn cục bộ 1.348m, làm ảnh hưởng ngập và thiệt hại 184,22 ha (gồm: 110,5 ha vườn cây ăn trái, 26 ha mía, 14,91 ha hoa màu, 10 ha lúa và 22,81 ha tôm), 2,57ha rừng và ảnh hưởng 11 nhà dân. Ước thiệt hại khoảng 2.895 triệu đồng.

         Tại thành phố Trà Vinh, triều cường ngày 20/02/2023 làm sạt lở tại 6 vị trí bờ bao và làm sụt lún thêm 01 đoạn đường dal tại ấp Long Trị, xã Long Đức, tổng chiều dài khoảng 30,2m.

         Tại huyện Duyên Hải, triều cường từ ngày 20/02 đến ngày 22/02/2023 gây vỡ bờ bao, chiều dài khoảng 110m. Nước biển tràn vào ảnh hưởng đến nhà ở của 11 hộ, thiệt hại 3,4 ha hoa màu tại xã Đông Thành. 

Triều cường gây sạt lở đường đal ấp Long Trị

 

         Trước tình hình diễn biến phức tạp của triều cường, để kịp thời chủ động trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của triều cường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp, như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo nước dâng, chú trọng công tác cảnh báo mực nước tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, đánh giá rủi ro do triều cường. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng ở những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; chú trọng công tác quy hoạch sử dụng đất một cách phù hợp, có tính đến các tác động của thiên tai. Lồng ghép, điều chỉnh cơ cấu loại cây trồng, lịch mùa vụ, nhằm giảm thiểu thiệt hại do triều cường có thể gây ra. Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở vùng bị ngập lụt và các tuyến đường thường xuyên bị ngập trên địa bàn tỉnh. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vốn thực hiện dự án sạt lở bờ biển ấp Hồ Thùng và ấp Đông Thành, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải.

         Đối với hỗ trợ thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 của UBND tỉnh về quy định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

         Về hướng khắc phục lâu dài, đối với sạt lở bờ bao do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý thực hiện theo Công văn số 5884/UBND-NN ngày 27/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh, gồm:

         - Định kỳ hàng quý hoặc vào mùa mưa, bão thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình các tuyến đê, kè, các vị trí sạt lở trên địa bàn quản lý để sớm phát hiện các sự cố, các công trình hư hỏng, xuống cấp, kịp thời khắc phục, duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình và ổn định đời sống, sản xuất của người dân, tránh để xảy ra tình trạng các công trình hư hỏng nặng, sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn cho công trình; hàng năm, cân đối, bố trí kinh phí tổ chức khắc phục đối với các sự cố (sạt lở, sụp lún,...) các công trình thủy lợi cấp III, đê điều và sạt lở đất trên địa bàn quản lý.

         - Tăng cường công tác quản lý đê điều trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống sạt lở, bảo vệ bờ sông và tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều.

        - Đối với sạt lở của người dân, tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động người dân khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là triều cường để người dân có tính chủ động, bảo vệ sản xuất.

Đặng Thị Kim Ngân

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới