Ý kiến về quy hoạch phát triển cụm liên kết nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long

         Trong khuôn khổ “Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp triển khai, để chia sẻ khái niệm và kinh nghiệm quốc tế và khung chính sách về phát triển cụm liên kết ngành tại Việt Nam, tổng quan thực trạng năng lực canh tranh và đề xuất các cụm liên kết cho 3 ngành hàng Lúa gạo, Trái cây và Thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và 9 tỉnh dự án nói riêng và một số đề xuất giải pháp nhằm phát triển các cụm liên kết ngành tại ĐBSCL. Ngày 19/8/2022, tại Cần Thơ, Ban Quản lý Trung ương các Dự án Thủy lợi (CPO) cùng Công ty cổ phần Tư vấn PEAPROS phối hợp tổ chức “Hội thảo tham vấn cấp vùng các tỉnh dự án”. Đây là một nội dung trong hoạt động “Xây dựng chiến lược phát triển cụm ngành nông nghiệp đến năm 2030” của Dự án.

         9 tỉnh dự án, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang và Bạc Liêu. 4 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL nhưng ngoài dự án, gồm: Hậu Giang, Thành phố Cần Thơ, Tiền Giang và Long An. Thành phần tham dự Hội thảo: Ban COP, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, sở ngành các tỉnh, doanh nghiệp,… Các tham luận trình bày tại Hội thảo: Tổng quan về khái niệm và kinh nghiệm quốc tế liên quan đến phát triển cụm liên kết ngành tại Việt Nam; Thực trang tiềm năng, lợi thế phát triển các cụm ngành thủy sản tại ĐBSCL; Đề xuất giải phát triển của các cụm ngành thủy sản tại ĐBSCL; Đánh giá năng lực cạnh tranh và đề xuất các cụm ngành lúa gạo tại ĐBSCL; Tổng quan thực trạng, tiềm năng, lợi thế phát triển các cụm ngành trí cây tại ĐBSCL.

Đề xuất cụm liên kết ngành Lúa gạo, Trái cây và Thủy sản ĐBSCL
 (Nguồn: Tài liệu Hội thảo)

         Nhìn chung, các tham luận đã nêu bật những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển, năng lực cạnh tranh, vai trò và đưa ra tiêu chí phát triển của 3 ngành hàng Lúa gạo, Trái cây và Thủy sản trong khu vực. Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng nêu ra nhiều vấn đề trong “Xây dựng chiến lược phát triển cụm ngành nông nghiệp đến năm 2030” của Dự án.

         Trước hết, ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố nhưng chỉ có 9 tỉnh dự án, dẫn đến thiếu dữ liệu đầu vào và “bức tranh” về Lúa gạo, Trái cây và Thủy sản của toàn khu vực bị khiếm khuyết, nhất là khi Thành phố Cần Thơ có thế mạnh về cá tra hay tỉnh Tiền Giang có thế mạnh về trái cây. Vì vậy, việc đánh giá sản lượng, chất lượng của từng ngành hàng chưa thật sát, đúng thực tế và điều này ảnh hưởng đến công tác hoạch định chiến lược phát triển cụm liên kết cho những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến việc xác định trung tâm điều phối (đặt tại tỉnh có sản lượng lớn về ngành hàng - NV) của vùng liên kết, xây dựng hệ thống kho (lạnh) bảo quản, trạm trung chuyển, xây dựng cơ sở hạ tầng, xác định chi phí vận chuyển,… Nếu chi phí vận chuyển quá cao thì rất khó cạnh tranh và duy trì liên kết. Ngoài ra, về chăn nuôi, mặc dù ĐBSCL phát triển chăn nuôi chưa bằng các khu vực khác, nhưng nếu không có ngành hàng chăn nuôi thì sẽ là một thiếu sót.

         Thứ hai, liên ngành hàng theo vùng hay liên kết cụ thể cho từng tỉnh. Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận, có ý kiến cho rằng việc liên kết vùng chỉ nên tập trung quy hoạch cho toàn… khu vực không cụ thể cho từng tỉnh vì điều này rất khó. Thí dụ, về Lúa gạo chỉ nên tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Ngược lại, ý kiến khác cho rằng, những vùng sản xuất Lúa gạo số lượng lớn thường chất lượng thấp. Các tỉnh khác có sản phẩm Lúa gạo đặc thù, tuy diện tích sản xuất và sản lượng thấp nhưng giá trị xuất khẩu cao, như tỉnh Sóc Trăng có lúa ST24, ST25 nổi tiếng thế giới hay Trà Vinh với những vùng sản xuất lúa - tôm hữu cơ được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận. Cũng tại nội dung này, có ý kiến chỉ nên quy hoạch vùng theo vị trí địa lý đã được định danh, thí dụ, vùng Tứ giác Long Xuyên với những đặc trưng sẵn có, nếu thêm khu vực khác vào thì sẽ bị “chỏi”. 

Chăn nuôi (trong đó có chăn nuôi heo), không được đề xuất đưa vào cụm ngành hàng liên kết ĐBSCL

         Thứ ba, có cần thiết liên kết vùng cho tất cả ngành hàng? Thí dụ, ngành hàng cá tra không có liên kết vùng mà liên kết theo chuỗi giá trị, mỗi doanh nghiệp có hệ thống liên kết khác nhau từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Tương tự là liên kết Lúa gạo hiện nay của một số doanh nghiệp (hay Trà Vinh đang phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh - NV). Do vậy, cần có khảo sát hiện trạng và các hình thức liên kết hiện tại. Chú ý các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại khu vực, đồng thời lấy ý kiến của các doanh nghiệp về liên kết vùng. Liên quan đến vùng sản xuất, câu hỏi đặt ra như thế nào là vùng sản xuất. Thực tế hiện nay sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, đòi hỏi mỗi vùng phải có hàng chục ngàn ha là rất khó (theo trả lời của diễn giả vùng sản xuất là cùng có diện tích sản xuất 5.000-7.000 ha xung quanh bán kính 50 km).

         Thứ tư, công nghiệp chế biến là điểm yếu của ĐBSCL. Cần bổ sung quy hoạch các cụm chế biến tại những vùng trọng điểm ngành hàng.

         Và cuối cùng, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách của Trung ương, tích hợp quy hoạch của cách tỉnh vào quy hoạch khu vực để Dự án được hoàn chỉnh hơn (điều này khó do hầu hết các tỉnh đều chưa có quy hoạch). Trong đó, có tích hợp về cơ sở hạ tầng, có xem xét lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh trong quy hoạch cụm liên kết ngành. Rà soát đưa vào quy hoạch những ngành hàng đem lại hiệu quả cao và xem xét sự chuyển dịch giữa các ngành hàng. Thành lập trung tâm điều phối thực hiện liên kết,...

 

 Văn Đoái

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới