Hội nghị công tác chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2022

         Ngày 3/6, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị công tác chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản năm 2022. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện đồng chủ trì hội nghị. Tại hội nghị này có nhiều giải pháp về công tác chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản được đưa ra.

Quang cảnh hội nghị

         Theo báo cáo tại hội nghị, cả nước hiện có 463.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 33.000ha so với năm 2020; 16.991ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương, tăng 1.158ha so với năm 2020. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 69,4%, các xã này đều đảm bảo tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo ATTP. Sản phẩm đạt theo bộ tiêu chí  thuộc Chương trình OCOP là 7.463 sản phẩm đạt theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, tăng 46% so với năm 2021. Xây dựng và phát triển được 1.668 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn,…

         Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng đã kết hợp phổ biến, hướng dẫn, triển khai Ðề án “Ðảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” (Đề án). Để triển khai thực hiệu quả Đề án và tiếp tục nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các địa phương quan tâm phối hợp thực hiện, cụ thể như (1) Quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng làm cơ sở phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững; (2) Tăng cường  nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; (3) Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường, tạo đầu ra thuận lợi cho nông lâm thủy sản đạt chất lượng và an toàn; (4) Ðẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản Việt và (5) Tiếp tục hoàn hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để triển khai hiệu quả công tác quản lý chất lượng, ATTP. Bên cạnh đó, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam lưu ý các địa phương cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, có mã số vùng đảm bảo truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt… để đảm bảo chất lượng và an toàn và gắn kết với các doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ để hình thành các chuỗi. Ðồng thời, quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân và chú ý thực hiện tốt việc quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản tại các chợ xã, từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng.

         Đối với Trà Vinh, công tác chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản luôn được lãnh đạo các cấp và địa phương quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, tỉnh ta cũng đã hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông sản tập trung theo hướng chất lượng cao, an toàn, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ, phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hình thành các chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Theo đó, toàn tỉnh có 19.059 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840 ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 6,55 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 2.721 ha; triển khai Chương trình OCOP, toàn tỉnh có 80 sản phẩm đạt 03 sao và 04 sao; có 63 vùng trồng được cấp mã số (gồm chuối, xoài, dưa hấu, nhãn, thanh long và chôm chôm). Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 82/85 (đạt 96,47%), các xã này đều đáp ứng tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về ATTP. Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được duy trì và phát triển, đến nay, có 5 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận với 21 sản phẩm và sản lượng 710,4 tấn/năm.

         Để thực hiện tốt công tác chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, ngành nông nghiệp cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Quản lý chất lượng, ATTP nông sản, thủy sản trọng điểm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung đảm bảo ATTP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...); tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Thực hiện tốt các chương trình phối hợp giữa Hội nông dân và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh trong vận động sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, giám sát đảm bảo ATTP, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc,..

Sơn Sâm Phone

Tham khảo:

(1)   Cục Quản  lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Tài liệu Hội nghị công tác chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản năm 2022;

(2)   UBND tỉnh Trà Vinh: Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 (Báo cáo số 138/BC-UBND ngày 11/6/2021);

(3)   https://snnptnt.travinh.gov.vn/1444/38877/68080/658326/tin-chuyen-nganh/ket-qua-chuong-trinh-ocop-va-cap-ma-so-vung-trong-tai-tinh-tra-vinh (truy cập 6/6/2022).

(4)   https://nongthonmoi.travinh.gov.vn/danh-sach-xa-dat-chuan-ntm/ (truy cập 6/6/2022).

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới