Một số dự án thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

         “Thích ứng biến đổi khí hậu” là một trong những tầm nhìn, quan điểm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có tỉnh Trà Vinh) theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn, thịnh vượng tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ và Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Để góp phần thực hiện tầm nhìn, quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã và đang triển khai hoặc dự kiến triển khai nhiều dự án thích ứng biến đổi khí hậu, như:    

         - Dự án “Đánh giá và thực hiện hoạt động cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường và thiết kế Chương trình phát triển cộng đồng tích hợp tại Trà Vinh(CFM/CDP Trà Vinh). Chủ dự án: Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV). Dự án triển khai (dự kiến) tại thị xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang trong thời gian 01 năm (12/2021-12/2022). Mục tiêu: Thiết kế và hoàn thiện một Chương trình phát triển cộng đồng tích hợp cho địa bàn dự án của Công ty Cổ phần Tái Tạo Năng lượng Ecotech Trà Vinh (Ecotech) và Công ty Cổ phần Điện gió Số 1 Trà Vinh (TWPC) nhằm đạt được sự thống nhất, phê duyệt của chính quyền tỉnh Trà Vinh. Cải thiện khả năng tiếp cận các công trình nước sạch và nâng cao nhận thức về các vấn đề nước sạch trong cộng đồng ưu tiên hướng tới tại thị xã Duyên Hải, huyện Cầu Ngang và huyện Duyên Hải.

Chụp hình lưu niệm sau Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển
 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh và tổ chức SNV, ngày 14/02/2022

         - Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long”. Chủ dự án: Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE). Dự án triển khai tại hai tỉnh Trà Vinh (xã Long Hòa và xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) và tỉnh Bạc Liêu trong thời gian 04 năm (2021-2024). Mục tiêu: Nâng cao năng lực thể chế cho các cấp quản lý ở trung ương và địa phương trong hoạt động xây dựng quy hoạch và chiến lược thích ứng toàn diện cho dư dân ven biển. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch hành động cụ thể cho tất cả các cấp quản lý tại một số khu vực của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và hai tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bạc Liêu nói riêng dựa vào nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương. Thí điểm mô hình quản lý hạ tầng bền vững, tăng cường khả năng và thúc đẩy cân bằng giới trong việc tự quản lý, vận hành các công trình hạ tầng theo mô hình bền vững cho dân cư địa phương. Nhân rộng cách tiếp cận và bài học kinh nghiệm về xây dựng quy hoạch các cấp về bảo vệ môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu dựa vào nhu cầu và khả năng thực tế trên toàn quốc. Đề xuất lồng ghép các quy định thúc đẩy phát triển cộng đồng, cải thiện chất lượng sống theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chính sách pháp luật quốc gia. Dự kiến có 92.396 người được hưởng lợi. Đối tượng hưởng lợi là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em và người nghèo di cư. 

Một số sản phẩm (truyền thông) của dự án
 tại Hội thảo chia sẻ hiện trạng dễ bị tổn thương và kinh nghiệm xây dựng chính sách
 nhằm thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Trà Vinh, từ ngày 23-24/3/2022 tại Trà Vinh

         - Dự án “Đầu tư sản xuất tôm lúa có trách nhiệm tại đồng bằng sông Cửu Long (DFCD)”. Chủ dự án: Công ty TNHH xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú. Dự án triển khai tại ba tỉnh Trà Vinh tỉnh Bến Tre và tỉnh Bạc Liêu trong thời gian 01 năm (12/2021-12/2022). Mục tiêu: Tăng cường sản xuất tôm - lúa có trách nhiệm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giám sát bồi lắng phù sa cho đồng ruộng. Khả năng tiếp cận tài chính xanh và tăng lợi nhuận trong sản xuất tôm - lúa. Đóng góp cho kế hoạch Trung ương và địa phương trong sản xuất tôm - lúa. Tăng cường hợp tác đối với các đối tác tư nhân. Tác động tích cực đến an toàn môi trường và xã hội. Mục tiêu cụ thể: Năng suất tôm sú đạt 500 kg/ha/năm. Lúa đạt 05 tấn/ha/năm. Tôm càng xanh toàn đực 350 kg/ha/năm. Cua đạt 150 kg/ha/năm. Điều chỉnh hệ thống cấp thoát nước nhằm tối ưu trao đổi nước, tạo thức ăn tự nhiên và trao đổi oxy, tăng cường lắng tụ phù sa. Tăng cường quản lý nước cộng đồng vùng dự án. Dự án đang triển khai xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang với mô hình tôm - lúa, diện tích 30 ha của 31 hộ.

 
Mô hình sản xuất tôm - lúa

(Nguồn: Hội thảo Tham vấn kế hoạch quan trắc nước, bệnh tôm dự án đầu tư sản xuất tôm lúa có trách nhiệm tại đồng bằng sông Cửu Long do dự án tổ chức, tại Cần Thơ ngày 11/3/2022)

         Ngoài những dự án trên, còn có các dự án về hỗ trợ cộng đồng ứng phó hạn hán, dự án về sinh kế hay dự án về mô hình nông nghiệp công nghệ cao,… đều với mục đích giúp người dân được tiếp cận nguồn nước sạch, người dân được cung cấp đủ nước dự trữ để có thể chống chịu tình trạng khan hiếm nước trong mùa khô và tình trạng xâm nhập mặn từ đó góp phần nâng cao khả năng chống chịu hạn hán và nâng cao cơ hội tiếp cận nước sạch cho người dân. Bên cạnh việc hỗ trợ cung cấp nước sạch, các dự án còn trang bị cho các hộ yếu thế những kiến thức, nguồn lực nhằm giúp hộ tạo nguồn thu nhập và tiến tới ổn định kinh tế thông qua phát triển kinh tế bền vững từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản hoặc mô hình ứng dụng công nghệ cao.

 

Văn Đoái

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới