Sẽ có vắc xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi

         Đây là thông tin đưa ra tại “Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022” do, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 11/02/2022.

         Theo thông tin tại Hội nghị, năm 2021, trên địa bàn cả nước bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 3.154 xã của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con heo, cao gấp hơn 3,2 lần so với năm 2020 và bệnh vẫn còn tiếp tục ở những ngày đầu năm 2022 với 321 xã của 36 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 19.628 con heo.

         Tại tỉnh Trà Vinh, năm 2021, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn (số liệu đến ngày 31/12/2021), bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 26 xã của 05 huyện, số heo nghi, mắc bệnh 1.596 con, chết 181 con, buộc tiêu hủy 1.929 con, trọng lượng tiêu hủy 130.961 kg, đến nay (ngày 20/02/2022) dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát trên địa bàn tỉnh.

Tiêu hủy heo bị bệnh Dịch tả heo Châu Phi tại huyện Càng Long
 (Ảnh: Nguyễn Bỉnh Khiêm)

         Bệnh Dịch tả heo Châu Phi hiện tại chưa có vắc xin để phòng, vì vậy, để phòng, chống cần chủ động cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; thực hiện nguyên tắc nuôi tái đàn; thường xuyên giám dịch. Trường hợp khi dịch bệnh xảy ra, các biện pháp phòng, chống dịch áp dụng theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi, giai đoạn 2020-2025, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các văn bản chi đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như: Tiêu hủy toàn bộ heo mắc bệnh, heo chết, heo có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Vệ sinh tiêu độc khử trùng tại ổ dịch (xã, phường có dịch), vùng bị dịch uy hiếp (các xã, phường tiếp giáp với ổ dịch) và vùng đệm (các xã, phường tiếp giáp với vùng bị dịch uy hiếp). Quản lý giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thịt heo, kiểm soát vận chuyển buôn bán heo và sản phẩm từ heo,…  

         Hiện tại, việc khảo nghiệm vắc xin bệnh Dịch tả heo Châu Phi đang được thực hiện theo quy định của pháp luật thú y. Cụ thể, tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Thú y và các đơn vị trực thuộc Cục nghiên cứu, sản xuất vắc xin chủ lực trong nước để chủ động nguồn vắc xin; đánh giá hiệu lực vắc xin để khuyến cáo cho các địa phương, người chăn nuôi; khẩn trương hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện việc kiểm nghiệm, khảo nghiệm, thí điểm sử dụng diện hẹp vắc xin Dịch tả heo Châu Phi, đồng thời tổ chức giám sát, đánh giá để đảm bảo vắc xin Dịch tả heo Châu Phi khi được cấp phép lưu hành đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về khoa học, kỹ thuật và quy định.

         Những năm qua, do chưa có vắc xin và bệnh chưa có thuốc điều trị nên bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo của cả nước và của tỉnh (năm 2019, tại tỉnh Trà Vinh, tổng kinh phí hỗ trợ các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy và hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi là trên 140 tỷ đồng; năm 2021, ước kinh phí hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy khoảng gần 5 tỷ đồng, theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi), việc có vắc xin phòng bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc kiểm soát dịch. Đồng thời, khi vắc xin được đưa vào sử dụng sẽ có thêm giải pháp cho các địa phương phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi và bảo vệ sản xuất chăn nuôi.  

 

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới