Tổng quan kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

         Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm và từng bước cụ thể hóa trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua các thời kỳ phát triển. Đến năm 2008, tại Hội nghị lần thứ 7, khóa X, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã Ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là cột mốc có ý nghĩa lớn lao, hoạch định đường lối phát triển toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 (Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 và Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016). Nội dung của Chương trình phát triển tổng hợp cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở vùng nông thôn. Đây vừa là chiến lược phát triển, vừa là cuộc vận động xã hội và phong trào thi đua rộng lớn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đoàn công tác Trung ương đến Trà Vinh khảo sát và góp ý xây dựng nông thôn mới huyện Châu Thành,
 (Đoàn đang khảo sát tại sơ sở sản xuất bánh tét đạt chuẩn OCOP)

 

         Nhằm cụ thể hóa sự chỉ đạo của Trung ương về xây dựng NTM, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 04/10/2011 về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Kế hoạch số 16-KH/TU ngày 04/5/2016 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, mặc dù nguồn lực của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhưng Chương trình đã giành được những thành tựu to lớn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng cao; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng chuyển biến rõ rệt (giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt, nhà ở, cảnh quan môi trường,...); hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn ngày càng được giữ vững; nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp cũng như người dân nông thôn được tăng cường; trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm; các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP được tăng cường kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

         Hiện nay toàn tỉnh có 78/85 xã đạt 19 tiêu chí xã NTM, trong đó 72 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 91,76%, các xã còn lại đạt từ 14-18 tiêu chí; 11 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Có 601/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, ấp NTM, chiếm tỷ lệ 93,76%, trong đó 05 ấp NTM kiểu mẫu: Ấp Giồng Trôm xã Long Toàn, ấp Nhứt xã Tân Hùng, ấp Đại Mong xã Phú Cần, ấp 2 xã Thạnh Phú và ấp Đồng Điền xã Ninh Thới. 213.086/231.101 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, NTM, chiếm tỷ lệ 92,2% trên tổng số hộ phát động. 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Kế hoạch đến cuối năm 2021, huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM (đã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Trung ương thẩm định xem xét, công nhận). Các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2022, 2023 và tỉnh Trà Vinh phấn đấu xây dựng đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Đây thực sự là một thành quả to lớn, cho thấy xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã thực sự trở thành một phong trào cách mạng mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

         Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đó là:

         - Một số tiêu chí như: Nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm,… hầu hết các địa phương thực hiện còn gặp nhiều khó khăn và những xã đạt tiêu chí nhưng thiếu bền vững; công tác xây dựng cảnh quan, vệ sinh môi trường còn hạn chế chưa tương xứng với danh hiệu hộ, ấp, xã, huyện NTM. Bên cạnh đó, một số địa phương còn lúng túng chưa xác định được loại cây trồng, vật nuôi chủ lực nên chưa có kế hoạch cụ thể trong việc định hướng, giải pháp cho sản xuất, từ đó thiếu liên kết hoặc liên kết không bền vững, dẫn đến kinh tế hợp tác phát triển còn chậm và thiếu bền vững; phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, mức độ ứng dụng công nghệ cao và khả năng liên kết với thị trường còn nhiều hạn chế, số mô hình áp dụng công nghệ cao còn rất ít. Thu nhập ở nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp, khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn cao.

         - Thu nhập và đời sống của người dân ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, sinh kế thiếu bền vững trước những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu,… nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

         - Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn diễn biến phức tạp: Chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để; việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một số nơi; việc quy hoạch nghĩa trang thực hiện còn chậm. Nhà văn hóa ấp, xã một số địa phương chưa phát huy hết hiệu quả sau đầu tư, thiếu quan tâm nâng chất các tiêu chí sau khi đã đạt chuẩn nông thôn thôn mới.

         - Kết quả xây dựng NTM chưa thật sự bền vững, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao còn ít và chưa có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chất lượng xã đạt chuẩn và công tác duy trì tính bền vững sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số công trình cơ sở hạ tầng không thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng nên đã và đang xuống cấp. Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ chú trọng phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

         Với những kết quả đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đã đúc kết được một số bài học kinh nghiệm như sau:

         - Trong chỉ đạo xây dựng NTM phải phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, nhiệt huyết; phải sâu sát, tận tụy, phải động viên khích lệ cho cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc. Phân công cụ thể cán bộ từ cấp ủy, đến chính quyền phụ trách cụ thể nội dung xây dựng NTM. Mỗi cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, từ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ai cũng phải là những tuyên truyền viên trong công tác xây dựng NTM. Cần mạnh dạn trong công tác đề bạt, xử lý trách nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu đối với các ngành và địa phương.

         - Để thực hiện xây dựng NTM thành công, nhất thiết phải có sự tập trung lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo quyết liệt của nhà nước, vào cuộc với cả hệ thống chính trị cùng với toàn thể nhân dân, trong đó phải xác định cho được người dân là chủ thể xuyên suốt của quá trình, huy động tốt các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nội lực đầu tư cho chương trình.

- Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, để dân tham gia ý kiến khi xây dựng các công trình, có như vậy dân mới trực tiếp giám sát quá trình xây dựng các công trình, góp phần đảm bảo chất lượng công trình. Ưu tiên triển khai xây dựng những công trình, dự án mang tính đột phá như: Đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa thể thao xã, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất,…  đó là những công việc, mô hình dân thấy rõ nét, nổi bật và hiệu quả đích thực trong quá trình xây dựng NTM.

          - Xây dựng NTM phải tập trung được nguồn lực, vì vậy cần thiết phải có phương án, giải pháp huy động tập trung được nguồn lực cho xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra. Phải huy động sức dân, người dân phải làm chủ và tham gia xây dựng NTM chứ không chỉ là một cuộc đầu tư của nhà nước, phải tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu (không vận động những hộ khó khăn).

         - Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài phải có bước đi lộ trình thích hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương; thực hiện nguyên tắc các tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau; phải thật sự chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ từ kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đến nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần của người dân, trong đó có cả tiêu chí về môi trường.

        - Sản xuất phải phát triển, đây là khâu khó nhưng phải tập trung giải quyết vì nó quyết định nhiều vấn đề quan trọng: cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, tích lũy kinh tế, đóng góp xây dựng công trình, đầu tư chỉnh trang xây dựng nhà ở, xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp,… góp phần xây dựng NTM thành công.

 

Mai Thanh Điền

Thành viên VPĐP NTM tỉnh

 


 


 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới