Phấn đấu kiểm soát bệnh Dại ở chó, mèo nuôi vào năm 2030

         Bệnh Dại do vi rút thuộc họ Rhabdoviridae gây ra, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú và người. Ở chó nghi mắc bệnh Dại thường chia thành hai thể là thể điên cuồng và thể dại câm (liệt). Thể điên cuồng, chó bị kích thích, sủa từng hồi dài, dữ tợn, điên cuồng, bỏ nhà ra đi, tấn công các con vật khác kể cả người,... Chó chết do liệt cơ hô hấp và do kiệt sức vì không ăn uống được. Thể dại câm, chó có thể bị liệt một phần cơ thể, nước dãi chảy lòng thòng, chó không cắn, không sủa được chỉ gầm gừ trong họng. Ở mèo, nếu mắc bệnh dại cũng tiến triển như ở chó. Mèo hay núp mình vào chỗ vắng hoặc hay kêu, bồn chồn, cắn khi có người chạm vào. Ở người thường bị bệnh Dại do bị chó, mèo mắc bệnh cắn, liếm. Biểu hiện lâm sàng của người mắc bệnh Dại bao gồm: Sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và tử vong. Đáng chú ý khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện thì tỷ lệ tử vong là 100% (kể cả ở động vật).

Ngoài chó, thì mèo cũng là động vật làm lây nhiễm bệnh Dại cho người

         Vừa qua (ngày 28/9), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017-2021, góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 và Mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị, giai đoạn 2017-2021, tổng đàn chó của cả nước trung bình hàng năm khoảng 7,5 triệu con. Chương trình quốc gia với mục tiêu khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại, nhưng giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ chó được tiêm phòng vắc xin Dại trung bình hàng năm chỉ đạt 49,2% tổng đàn, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 85% tổng đàn; số người tử vong trung bình hàng năm là 76 người, chỉ giảm 14% so với chỉ tiêu giảm phải 60% so với giai đoạn 2012-2016. Tổng kinh phí thực hiện của Trung ương và địa phương thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại trên động vật, giai đoạn 2017-2021 khoảng trên 250 tỷ đồng.

         Tại tỉnh Trà Vinh, tổng đàn chó 5 năm qua dao động từ 140-146 ngàn con, công tác tiêm phòng vắc xin Dại cũng chỉ đạt 12,3% tổng đàn. Về bệnh Dại ở chó, có 6 trường hợp chó mắc bệnh Dại tại các huyện Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Đây là điều đáng quan ngại, vì giai đoạn 1996-2016, Trà Vinh không ghi nhận trường hợp chó mắc bệnh Dại. Ở người, bình quân hàng năm khoảng 13 ngàn người tiêm dự phòng vắc xin phòng bệnh Dại do bị chó cắn, đã có 02 trường hợp người chết vị bệnh Dại. Trong giai đoạn 2017-2021, ngân sách tỉnh chi trên 1 tỷ đồng để phòng, chống bệnh Dại ở chó. Trong đó, chi nhiều nhất là mua vắc xin Dại và tổ chức tiêm phòng gần 500 triệu đồng, kế đến chi cho công tác thông tin tuyên truyền trên 250 triệu đồng, kinh phí quản lý đàn chó gần 230 triệu đồng,… 

Xe tuyên truyền và tiêm phòng vắc xin bệnh Dại cho chó hàng năm

 

         Mục tiêu chung của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 là kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể về phòng, chống bệnh Dại ở động vật, giai đoạn 2022-2025, tiêm phòng vắc xin Dại đạt 70% tổng đàn chó, mèo nuôi và giai đoạn 2026-2030, đạt 80%; về phòng, chống bệnh dại ở người thì đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong do bệnh Dại so với giai đoạn 2017-2021 và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030.

         Đối với tỉnh Trà Vinh, mục tiêu cụ thể của công tác phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 ở động vật, gồm: 100% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; tỷ lệ chó trong diện tiêm phòng được tiêm vắc xin Dại tại xã, phường, thị trấn đạt trên 95% tổng đàn; giám sát, điều tra, xử lý 100% ca bệnh Dại ở động vật; 100% số xã, phường, thị trấn triển khai tuyên truyền về bệnh Dại. Dự kiến kinh phí để thực hiện trong giai đoạn này gần 7 tỷ đồng, gồm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên 2,4 tỷ đồng; công tác truyền thông trên 1,8 tỷ đồng; công tác quản lý đàn chó gần 1,7 tỷ đồng; tập huấn về kiến thức bệnh Dại, công tác phòng chống bệnh Dại, quản lý đàn, điều tra giám sát gần 700 triệu đồng,…

         Theo đánh giá, khó khăn chung trong công tác phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2017-2021, đó là việc quản lý đàn chó và bài trừ bệnh Dại gặp rất nhiều khó khăn do tập quán nuôi thả rông, người nuôi chó chưa quan tâm đến tiêm phòng vắc xin Dại cho chó; mặc dù đã có nhiều chế tài, xử phạt đối với người nuôi chó thả rông hoặc không thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho chó nhưng các địa phương ít quan tâm, hầu như chưa có vụ việc vi phạm nào được xử lý. Vì vậy, để đạt được mục tiêu giai đoạn 2022-2030, kiểm soát bệnh Dại ở chó, mèo nuôi, rất cần sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương và sự hợp tác của người dân.

 

 Văn Đoái

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới