Dịch bệnh Viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh trên địa bàn tỉnh

         Dịch bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên bò xuất hiện đầu tiên ở tỉnh ta từ ngày 06/8/2021 tại huyện Trà Cú và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến ngày 30/8/2021, ngoài huyện Trà Cú còn thêm 03 huyện khác có dịch gồm: Duyên Hải, Châu Thành và Cầu Ngang. Như vậy, toàn tỉnh đã có 14 xã có bò nghi, mắc bệnh, đó là: Tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên, Hàm Giang, Ngãi Xuyên, Phước Hưng (huyện Trà Cú), Ngũ Lạc, Đôn Châu (huyện Duyên Hải), Đa Lộc, Thanh Mỹ, Lương Hòa A (huyện Châu Thành), Nhị Trường, Long Sơn, Kim Hòa (huyện Cầu Ngang).

         Tổng số hộ có bò nghi, mắc bệnh là 153 hộ, số bò nghi, mắc bệnh 306 con/tổng đàn 978 con, chết và tiêu hủy 07 con. Cụ thể, huyện Trà Cú 141 hộ, số bò nghi, mắc bệnh 280 con/tổng đàn 910 con, chết và tiêu hủy 05 con; huyện Duyên Hải 05 hộ, số bò nghi, mắc bệnh 09 con/tổng đàn 32 con; Châu Thành 03 hộ, số bò nghi, mắc bệnh 04 con/tổng đàn 17 con, chết và tiêu hủy 01 con; huyện Cầu Ngang 04 hộ, số bò nghi, mắc bệnh 13 con/ tổng đàn 19 con, chết và tiêu hủy 01 con. Một trong những đường lây truyền của bệnh VDNC là qua côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), vì vậy với điều kiện thời tiết hiện nay trên địa bàn tỉnh đang rất thuận lợi để côn trùng phát triển và càng làm cho nguy cơ dịch bệnh dễ tiếp tục phát sinh và lây lan.

Các nốt sần trên da của bò bệnh VDNC (Ảnh: Hoàng Sơn)

         Trước diễn biến của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hơp sở, ngành và các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đã cấp phát trên 1.600 tài liệu phòng, chống dịch, đồng thời thực hiện tuyên truyền thường xuyên qua Đài truyền hình Trà Vinh, hệ thống Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và Trạm Truyền thanh các xã, phường, thị trấn để giúp người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh. Cấp phát 74 lít thuốc cho hộ dân tiến hành khử trùng, tiêu độc; tổ chức tiêm phòng 6.492 liều vắc-xin; hướng dẫn hộ chăm sóc, nuôi dưỡng kết hợp điều trị bò nghi, mắc bệnh theo Hướng dẫn số 217/HD-SNN ngày 25/8/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả hầu hết bò đều có dấu hiệu hồi phục tốt, bò ăn uống lại bình thường. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn còn thực hiện đồng bộ các biện pháp khác, như: Tiêu hủy bò bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, công bố dịch,…

Tiêu hủy bò bệnh VDNC tại Trà Cú (Ảnh: Minh Hậu)

         Khó khăn chính hiện nay đó là dịch bệnh VDNC lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh và phải triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, ý thức của người dân trong việc tự giác và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống chính là yếu tố quyết định để dịch bệnh VDNC sớm được kiểm soát. Để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cần nhấn mạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh VDNC rất nhanh, rất rộng, tổn thất kinh tế lớn, và tổn thất kinh tế này trước hết sẽ tác động trực tiếp đến hộ nuôi bò. Về phía cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh vận chuyển, giết mổ trâu bò, nhất là kiểm soát giết mổ, bán chạy trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh

         VDNC là bệnh phải công dịch và các mẫu xét nghiệm bệnh phẩm đã được Chi cục Thú y vùng VII (Cần Thơ) có kết luận chẩn đoán xác định bệnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có bệnh ở 04 huyện, nếu không được kiểm soát và bệnh tiếp tục có chiều hướng phát sinh, lây lan nhanh ra diện rộng, thì theo quy định (Điều 26 của Luật Thú y, 2015) Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ phải công bố dịch, và như vậy thiệt hại về kinh tế - xã hội của tỉnh do công tác phòng, chống dịch sẽ rất lớn.

 

                                                                     MINH HẬU-HOÀNG SƠN

 Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới