Năm 2021 phấn đấu có thêm từ 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

         Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP được xem là một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cả nước, là động lực phát triển kinh tế nông thôn. Từ mô hình này, các địa phương trên cả nước đã học hỏi nhiều kinh nghiệm trong việc giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở phát huy vai trò các nhóm hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang tư duy liên kết, sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ đó, tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững.

         Tại tỉnh Trà Vinh, qua 02 năm (2019 và 2020) triển khai thực hiện, đã có 56 sản phẩm OCOP, gồm: 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao. Chương trình đã đem lại những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn; được hệ thống chính trị các cấp và người dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Sản lượng hàng hóa tăng đáng kể, các sản phẩm ngày càng đa dạng, giá trị được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình cũng phát sinh một số tồn tại, đó là: Số lượng sản phẩm đăng ký nhiều nhưng xét đạt 3 sao trở lên chưa như kỳ vọng. Phần lớn chất lượng sản phẩm chưa cao và không ổn định, mẫu mã, bao bì đơn điệu, chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, chủ yếu vẫn ở dạng thô,... nên thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh thấp.

Mật hoa dừa Sokfarm sản phẩm tiềm năng 5 sao

         Hiện tại, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 189 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, gồm: Nhóm ngành thực phẩm có 152 sản phẩm, chiếm 80,42%; ngành đồ uống có 09 sản phẩm, chiếm 4,76%; ngành thảo dược 01 sản phẩm, chiếm 0,53%; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí 12 sản phẩm, chiếm 6,35%; ngành vải may mặc 01 sản phẩm, chiếm 0,53%; ngành dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng 06 sản phẩm, chiếm 8,45%; ngành khác 08 sản phẩm, chiếm 4,23%. Năm 2021, tỉnh Trà Vinh phấn đấu có thêm từ 20 sản phẩm trở lên được cộng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 03 sao trở lên[[i]], nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 86 sản phẩm. Đồng thời, phát triển các sản phẩm OCOP đa dạng hóa, nâng cao chất lượng theo 06 ngành hàng (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải, may mặc, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch).

Tinh Dầu gấc của Công ty TNHH Đồng Phát Dophaco đạt 3 sao

 

         Chương trình OCOP, đặt trọng tâm là phát triển các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng chuỗi giá trị gia tăng, do các thành phần kinh tế tư nhân - đặc biệt là doanh nghiệp, hộ sản xuất, và kinh tế tập thể thực hiện. Các cơ quan quản lý đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện định hướng phát triển trục sản phẩm đặc sản địa phương; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và thực hiện các hỗ trợ.

    Để đạt mục tiêu năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương cần tập trung kiện toàn Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp; thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ quản lý một trong những nội dung của Chu trình OCOP (gồm 06 bước: Tuyền truyền, hướng dẫn; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án/dự án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án/dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh, quốc gia; xúc tiến thương mại); đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, theo dõi, triển khai thực hiện Chương trình các cấp và đào tạo, tập huấn cho các cơ sở sản xuất; hỗ trợ các cơ sở về máy móc, trang thiết bị, cửa hàng, nhà xưởng; hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP tại các cơ sở sản xuất và các sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường. Với kết quả Chương trình OCOP 02 năm qua, tỉnh Trà Vinh hoàn toàn có thể đạt mục tiêu phấn đấu có thêm từ 20 sản phẩm trở lên được cộng nhận sản phẩm OCOP trong năm 2021.

 

Nguyễn Thị Mỹ Hương


[[i]] Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 11/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2021

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới