Chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi tỉnh Trà Vinh

         Sau 04 năm (2017 - 2020) triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể: Đã trồng mới, cải tạo, nâng cấp vườn cây ăn trái, vườn dừa 1.797 ha (cây ăn trái 961 ha, cây dừa 836 ha); chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả 1.784 ha chủ yếu là trồng bắp, đậu phộng, rau cải các loại và trồng cỏ chăn nuôi bò; trồng rau an toàn nhà lưới 3,4 ha; đầu tư điểm tiêu thụ rau an toàn 4 điểm; đầu mối tiêu thụ rau an toàn 10 ha, với tổng vốn đầu tư 24,46 tỷ đồng.

Trồng dưa hấu trên đất lúa xã Dân Thành, TX. Duyên Hải

         Bên cạnh, chính sách tái cơ cấu Trà Vinh còn triển khai thực hiện tốt các chính sách khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg; Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg và Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; Chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ; Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013; Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956/QĐ-TTg; Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-C; Chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh và Nghị quyết 56/2018/NQ-HĐND ngày 04/5/2018 của HĐND tỉnh,…Qua đó, đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng kể, cụ thể: Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 là 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm trồng trọt và chăn nuôi, tăng thủy sản theo đúng định hướng của tỉnh, hình thành được một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh; diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng được mở rộng tạo sự đột phá để tăng năng suất, chất lượng nông sản trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng/năm, tăng 13,3 triệu đồng/ha so với năm 2016; Giá trị sản xuất/ha đất nuôi thủy sản đạt 360 triệu đồng/năm, tăng 143 triệu đồng/ha. Thu nhập của cư dân nông thôn đã tăng từ 26,94 triệu đồng năm 2016 lên 32 triệu đồng/người năm 2020, tăng 1,2 lần góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở nông thôn.

Trồng cam sành trên đất lúa huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

          Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản trong và ngoài nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021. Theo đó, Nghị quyết ban hành các chính sách hỗ trợ về: (1) Hỗ trợ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); (2) Hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP; (3) Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; (4) Hỗ trợ vườn cây ăn quả, vườn cây dừa, vườn tạp, đất trồng mía; (5) Hỗ trợ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả; (6) Hỗ trợ phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ; (7) Hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; (8) Hỗ trợ ngư dân sắm, lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá. Hy vọng một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẻ quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

 

                                                                                 Văn Minh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới