Truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp quản lý sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng, quảng bá thương hiệu sản phẩm

         Thực hiện Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 09/022021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh phối hợp triển khai thí điểm ứng dụng quản lý truy xuất nguồn gốc (TXNG) và hỗ trợ giao dịch trên sản nông sản sạch Azuamua.com trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2022. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Smartlife (Công ty Smartlife) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu ứng dụng quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh”[[i]]. Nhân dịp này, ông Nguyễn Thế Tiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Smartlife đã có trao đổi một số vấn đề liên quan đến Hội thảo. Sau đây là nội dung câu hỏi và trả lời của ông Nguyễn Thế Tiệp.

         Hỏi: Ông hãy cho biết thế nào là TXNG sản phẩm?

         Trả lời: TXNG là quá trình truy vấn thông tin về một sản phẩm qua tất cả các công đoạn mà sản phẩm đó được hình thành và đi qua. Nói cách khác là ta phải chỉ ra được là từ thời gian nào đến thời gian nào sản phẩm đó thuộc về ai, nó ở đâu, tồn tại ở trạng thái nào và ai đó đã tác động vào nó như thế nào, tức là thông tin của sản phẩm phải được minh bạch từ quá trình sản xuất Nguyên liệu-Chế biến-Vận chuyển-Phân phối. TXNG nhằm minh bạch thông tin về sản phẩm, ngoài ra TXNG là một phần của quản lý chất lượng và phòng ngừa rủi ro cho nhà sản xuất và cho người tiêu dùng, không những vậy TXNG còn là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp quản lý sản xuất, qua đó nâng cao năng xuất, chất lượng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm và kết nối cung cầu thông qua sàn thương mại điện tử. TXNG còn hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có công cụ để trở thành người tiêu dùng thông thái thông qua ứng dụng quét mã TXNG sản phẩm bằng điện thoại thông minh.

Ông Lê Văn Đông, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT, phát biểu khai mạc Hội thảo

         Hỏi: Hiện nay đang nói nhiều về “mã sản phẩm”, vậy theo ông mã sản phẩm là gì?

         Trả lời: Mã sản phẩm được hiểu là một mã định danh duy nhất cho một sản phẩm, nó bao gồm thông tin nước sản xuất, nhà sản xuất, thông tin sản phẩm, thông tin lô sản phẩm và thông tin mã sản phẩm đơn nhất, thông tin vận chuyển, bảo quản hoặc chuyển chủ sở hữu về sản phẩm,… Các thông tin về mã sản phẩm này sẽ được mã hoá thành mã Qr-code[[ii]] mang một ID[[iii]] duy nhất trên toàn cầu, mã này là vật mang dữ liệu của sản phẩm, nó có thể được coi là “Chứng minh thư” của sản phẩm, thông qua mã sản phẩm chúng ta có thể biết chính xác nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm theo thời gian và địa điểm.

         Hỏi: Như vậy mã vạch và mã Qr-Code giống hay khác nhau?

         Trả lời: Mã vạch và mã Code về mặt trực quan là không giống nhau, tuy nhiên có thể mã hoá hai chiều để từ mã vạch thành mã Qr-code và ngược lại.

         - Mã vạch là mã có nhiều hình sọc ghép song song nhau, được hiểu là mã định danh cho một mặt hàng của một thương hiệu. Với một mặt hàng của một thương hiệu thì tất cả đều có chung một mã này, mã này được áp dụng rộng rãi nhằm để quản lý dòng sản phẩm hoặc quản lý bán lẻ.

         - Mã Qr-Code là mã hình vuông gồm ma trận các chấm và hình, mã được gắn cho một sản phẩm đơn nhất, một mặt hàng của một thương hiệu sẽ mang nhiều mã khác nhau, mỗi mã là các ma trận biến đổi và có thể mang một số thông tin chung và một số thông tin riêng biệt. Chính vì vậy khi sử dụng mã Qr-code có thể quản lý được đến từng mã sản phẩm đơn nhất, đó cũng là tính ưu việt trong việc áp dụng mã này cho quản lý TXNG, vì tính ưu việt này mã Qr-code có thể kiểm soát được mã sản phẩm bị làm giả.

         Mã Qr-code và mã vạch đều có thể soi quét để truy cập dữ liệu bằng các ứng dụng soi quét mã thông dụng. Khi áp dụng giải pháp TXNG theo chuẩn GS1[[iv]] thì doanh nghiệp sẽ phải đăng ký sử dụng mã vạch và thông qua các tiền tố của mã vạch để có thể mã hoá sản phẩm thành mã Qr-Code, mã vạch sẽ thuận tiện hơn trong quản lý bán lẻ sản phẩm hoặc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Mã Qr-Code chứa đựng được nhiều thông tin hơn và có thể cập nhật thông tin cho từng sản phẩm riêng biệt trong một lô sản phẩm vì vậy thường chỉ để TXNG sản phẩm.

         Hỏi: Nội dung của Kế hoạch số 11/KH-UBND có “tem TXNG sản phẩm”, ông có thể thông tin thêm về vấn đề này không?

         Trả lời: Tem TXNG sản phẩm (hay còn được gọi là tem xác thực nguồn gốc) là một loại tem áp dụng công nghệ số cho phép người dùng sử dụng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh để soi quét TXNG của sản phẩm. Sau khi truy xuất người sử dụng sẽ nắm được các thông tin liên quan đến sản phẩm, các thông tin này bao gồm tên nhà sản xuất, tên sản phẩm, mã sản phẩm, lô sản xuất, quy cách đóng gói, hướng dẫn sử dụng, quy trình thực hiện, nguồn gốc nguyên liệu, nhật ký sản xuât, chế biến,… và các tiêu chí khác tùy từng sản phẩm cụ thể.

Hỏi: Giá thành mỗi con tem TXNG là bao nhiêu?

         Trả lời: Giá thành mỗi con tem TXNG từ vài chục đồng đến vài ngàn đồng tùy theo số lượng, kích thước, chất liệu và mục đích sử dụng, công nghệ in và đối tượng giám sát… Nếu màu sắc đơn giản, số lượng in nhiều thì giá thành rẻ và ngược lại, ngoài ra doanh nghiệp có thể tự in tem để gắn lên từng lô sản phẩm.

         Hỏi: Được biết Công ty Smartlife là chủ quản lý sàn giao dịch Azuamua.com, vậy Azuamua.com khác với các sàn giao dịch khác như thế nào?

    Trả lời: Sàn giao dịch Azuamua.com khác với các sàn giao dịch khác đó là, sàn giao dịch Azuamua.com chuyên về nông sản thực phẩm, sàn là một ứng dụng trong hệ sinh thái quản lý chuỗi cung ứng và kết nối cung cầu của Smart Life, qua sàn giúp nhà sản xuất có thể đăng bán sản phẩm của mình lên hệ thống thương mại điện tử, giúp người bán và người mua giao dịch trực tiếp, thoả thuận với nhau về giá cả và chính sách thương mại. Các sàn giao dịch khác thường người bán và người mua không giao dịch trực tiếp mà phải qua chủ sàn.

    Hỏi: Dữ liệu TXNG thông qua mã Qr-code, của doanh nghiệp được duy trì trên hệ thống dữ liệu TXNG của Smart Life thời gian bao lâu? Và mức phí để các doanh nghiệp duy trì hàng năm?

    Trả lời: Hệ thống quản trị dữ liệu của SmartLife cho phép lưu trữ dữ liệu của sản phẩm và doanh nghiệp vĩnh viễn. Mức phí doanh nghiệp đóng cho đơn vị cung cấp giải pháp TXNG để lưu trữ dữ liệu khoảng vài triệu đồng/năm.

    Hỏi: Phí mã vạch hiện nay thực hiện theo khung giá nhà nước quy định hay giá dịch vụ?.

    Trả lời: Phí mã vạch hiện nay thực hiện theo khung giá nhà nước quy định. Doanh nghiệp cần liên hệ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để được hướng dẫn.

    Hỏi: Mã Qr-Code in trên tem của doanh nghiệp sử dụng không hết trong năm có được duy trì sử dụng cho các năm tiếp theo?

    Trả lời: Mã Qr-Code in trên tem TXNG của doanh nghiệp có thể sử dụng lâu dài, không thời hạn, tùy thuộc vào độ bền của vật liệu, hoặc doanh nghiệp có thể tự in các lô mã tem để gắn lên từng sản phẩm cho từng lô sản xuất.

    Hỏi: Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có đơn vị quản lý và xử lý những vấn đề liên quan đến mã Qr-Code, mã vạch không?

    Trả lời: Như trên đã trả lời, tại tỉnh Trà Vinh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị quản lý và hỗ trợ xử lý những vấn đề liên quan đến mã Qr-Code, mã vạch, đối với mã TXNG chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng khi có nhu cầu.

    Hỏi: Có thể đưa TXNG vào những sản phẩm OCOP[[v]] được không?

    Trả lời: OCOP là Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Công ty Smartlife đã áp dụng TXNG cho nhiều sản phẩm thuộc chương trình OCOP trên toàn quốc. Muốn thực hiện điều này, doanh nghiệp cần có nhân lực và hạ tầng máy tính, điện thoại thông minh kết nối Internet, phối hợp tiếp nhận đào tạo chuyển giao từ cán bộ của Công ty Smartlife.

    Hỏi: Có thể thực hiện việc TXNG ngoài vùng nguyên liệu của doanh nghiệp? Và có thể TXNG cho từng cây dừa?

    Trả lời: Giải pháp kỹ thuật của SmartLife là một giải pháp quản lý chuỗi cung ứng toàn diện, phù hợp với nhiều mô hình như hộ cá thể, doanh nghiệp, Hợp tác xã và quản lý liên kết sản xuất. Do vậy, TXNG ngoài vùng nguyên liệu của doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên doanh nghiệp phải chứng minh được thông tin (khai báo) và chịu trách nhiệm thông tin về sản phẩm. Giải pháp TXNG của Smart Life có thể TXNG đến từng cây hoặc từng con, do đó TXNG cho từng cây dừa đối với giải pháp của chúng tôi có thể thực hiện được một cách dễ dàng và khoa học.

 

Ông Nguyễn Thế Tiệp trình bày về TXNG tại Hội thảo

 

    Hỏi: Giải pháp nào để hỗ trợ người sản xuất trực tiếp biết được sản phẩm của mình được nơi thu mua sử dụng bao nhiêu phần trăm, còn lại bao nhiêu phần trăm sử dụng sản phẩm từ cơ sở khác?

    Trả lời: Đây là câu hỏi hay nhưng thực hiện rất khó áp dụng trong thực tế, ít người có nhu cầu sử dụng và lại dữ liệu của các cơ sở sản xuất sẽ được bảo mật. Tuy nhiên nếu khách hàng là chủ của một chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng thì chúng tôi có thể hỗ trợ để triển khai một hệ thống đầy đủ cho tất cả các công đoạn khi đó hoàn toàn có thể thực hiện được việc kiểm soát sử dụng vật tư nguyên liệu đầu vào cho các khâu.

    Hỏi: Theo Kế hoạch số 11/KH-UBND sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp được hỗ trợ triển khai thí điểm ứng dụng quản lý TXNG và hỗ trợ giao dịch trên sản nông sản sạch Azuamua.com? Những doanh nghiệp còn lại nếu muốn tham gia thì có được Công ty Smartlife hỗ trợ không?

    Trả lời: Sẽ có khoảng 05 doanh nghiệp được hỗ trợ Kế hoạch số 11/KH-UBND. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ phí giao dịch trên sàn Azuamua.com, chi phí tem TXNG, xây dựng thông tin quản lý sản phẩm và TXNG,… Các doanh nghiệp khác, ngoài 05 doanh nghiệp được hỗ trợ Kế hoạch số 11/KH-UBND, nếu tham gia giao dịch trên sàn Azuamua.com cũng sẽ được hỗ trợ theo chính sách của Công ty Smartlife.

    Xin cảm ơn ông về nội dung trao đổi.



[[i]] Hội thảo tổ chức ngày 02/4/2021 tại Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh

[[ii]] Qr-Code: Viết tắt của Quick response code hay còn gọi là mã vạch ma trận (matrix-barcode)

[[iii]] ID: Viết tắt của Identification có nghĩa là nận dạng, nhận diện hay nhận biết

[[iv]] GS1 là một thực thể toàn cầu thiết lập các tiêu chuẩn cho mã vạch và dữ liệu về mọi nơi để giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động

[[v]] OCOP: Viết tắt của One commune, one product hay Mỗi xã, phường một sản phẩm.

 

 

Văn Đoái

 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới