Ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021-2025

         Ngày 15/3/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1095/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản. Kế hoạch có 03 nội dung lớn: (1) Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tế sản xuất. (2) Đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản. (3) Xây dựng hệ thống thông tin, phát triển thị trường khoa học công nghệ.

         Để thực hiện Quyết định số 1095/QĐ-BNN-TCTS trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Quyết định trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành thủy sản chiếm 40,23%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt đạt khoảng 25%. 

Sản vật đánh bắt từ biển (ảnh: Trần Văn Đoái)

         Về định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo dự thảo của Quyết định, đó là:

         - Tôm thẻ chân trắng: Phát triển sản xuất theo hình thức thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP), dự kiến năm 2025 là 12 ngàn ha và 74,24 ngàn tấn tập trung ở các huyện và thị xã ven biển, trong đó: Nuôi thâm canh mật độ cao quy mô năm 2025 khoảng 1.000 ha tập trung phát triển trên địa bàn các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

         - Tôm sú: Dự kiến đến năm 2025 còn 17,5 ngàn ha và 11,5 ngàn tấn, trong đó: Nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh giữa ổn định khoảng 6,3 ngàn ha tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, như: mô hình tôm-lúa khoảng 5,5 ngàn ha ở các huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải; tôm- rừng (tôm đạt chứng nhận sinh thái xuất khẩu) khoảng 5,7 ngàn ha ở các huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.

         - Cua biển: Dự kiến đến năm 2025 còn 17 ngàn ha và 7,5 ngàn tấn, chủ yếu là nuôi kết hợp với nuôi tôm nước lợ, cá và các đối tượng khác theo hình thức quảng canh cải tiến, tập trung ở các huyện và thị xã ven biển. 

Kiểm tra cua biển cái mang trứng tại một cơ sở nhân giống (ảnh: Trần Văn Đoái)

         - Nghêu nuôi chuyên canh: Sử dụng con giống có chất lượng và tăng mật độ thả nuôi dự kiến đến năm 2025 là 2,7 ngàn ha và 5,5 ngàn tấn đạt chứng nhận MSC tập trung phát triển ở các bãi bồi ven biển trên địa bàn các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải.

         - Nuôi thủy sản nước ngọt: Dự kiến đến cuối năm 2025 là 3,5 ngàn ha (trong đó: Cá tra 70 ha, cá lóc 400 ha, tôm càng xanh 2 ngàn ha) và 85 ngàn tấn, tập trung phát triển ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, trong đó: Tôm càng xanh chủ yếu là nuôi xen, ghép trong các hệ thống canh tác phù hợp với từng vùng sinh thái tập, trung ở các huyện Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải; nuôi cá tra thâm canh phát triển ở các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành và thành phố Trà Vinh; nuôi cá lóc thâm canh phát triển ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành và Trà Cú. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ cá tra, cá lóc.

         - Tôm và cá các loại khai thác từ biển: Dự kiến tổng sản lượng khai thác đến năm 2025 là 91 ngàn tấn, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải.

Nuôi hàu trên sông tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải ((ảnh: Trần Văn Đoái)

 

         Dự thảo Quyết định đưa ra 11 giải pháp để thực hiện, trong đó, có các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách; chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị; thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm,…

         Nội dung của Quyết định số 1095/QĐ-BNN-TCTS được đăng tải trên website https://snnptnt.travinh.gov.vn/ mục văn bản chuyên ngành/Thủy sản.

 

Ban Biên tập

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới