Hiệu quả của kè mềm kết hợp với trồng rừng chống sạt lở ven tuyến sông Hậu của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh

         Trà Vinh là tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, nằm giữa 02 sông lớn (sông Cổ Chiên và sông Hậu) nên bị ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển toàn tỉnh hiện có 5,4 km bờ biển và 77,75 km bờ sông bị ảnh hưởng sạt lở (sông Hậu 41,55 km, sông Cổ Chiên 36,2 km) việc đầu tư kè cứng để bảo vệ bờ sông, bờ biển đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư kè mềm kết hợp với trồng rừng chống sạt lở sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư và có tính bền vững hơn.

         Xác định được tầm quan trọng của kè mềm kết hợp với trồng rừng chống sạt lở, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh lập và triển khai thực hiện Dự án xây dựng kè mềm kết hợp với trồng rừng chống sạt lở bờ sông các xã (Kim Sơn, Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu) ven sông Hậu, huyện Trà Cú, tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng quy mô đầu tư là 1.750m kè mềm bằng cọc dừa, đào và cải tạo 42.000 hố trồng rừng, tổ chức trồng và chăm sóc 13 ha, trong đó: xã Kim Sơn triển khai trồng rừng với diện tích 4,0 ha (2,5 ha Bần chua và 1,5 ha Mắm trắng), cải tạo 12.850 hố và xây dựng 300m kè mềm; xã Lưu Nghiệp Anh triển khai trồng 6,0 ha rừng (3,5 ha Bần chua và 2,5 ha Mắm trắng), cải tạo 19.750 hố và xây dựng 1.200 m kè mềm; xã An Quảng Hữu triển khai trồng 3,0 ha rừng (2,0 ha Bần chua và 1,0 ha Mắm trắng), cải tạo 9.400 hố và xây dựng 250 m kè mềm; thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 – 2021.

 

Kè mềm bằng cọc dừa tại xã Kim Sơn, huyện Trà Cú

         Sau gần 10 tháng triển khai thực hiện dự án đã triển khai xây dựng được 1.750m kè mềm bằng cọc dừa, với chiều dài mỗi cọc từ 6 - 8m, được đóng thành 01 hàng, mỗi cọc cách nhau 0,5 m và được đóng cừ tràm vào giữa 02 cọc để hạn chế sóng, giảm lưu tốc dòng chảy, gây bồi, ổn định bãi để trồng cây ngập mặn.

         Sau 02-03 tháng xây dựng kè mềm và cải tạo 42 ngàn hố trồng tiến hành bố trí trồng Bần chua và Mắm trắng được 13 ha (Bần chua 8 ha và Mắm trắng 5 ha). Ngày 23/12/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức đoàn công tác nghiệm thu các hạng mục công trình của dự án, kết quả những đoạn bố trí xây dựng kè mềm, lượng phù sa bồi tụ từ 5 -15 cm, hạn chế được sạt lở bờ sông, tỷ lệ cây sống tốt trên 80% và sẽ tiếp tục trồng bổ sung để đảm bảo tỷ lệ sống theo đúng quy định.

Cây rừng trồng tại bãi bồi trong kè mềm tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú

 

         Dự án được triển khai hiệu quả góp phần tìm ra giải pháp tối ưu, suất đầu tư thấp đảm bảo hiệu quả, bền vững lâu dài trong việc ngăn chặn sạt lở bờ sông, gây bồi tạo bãi, tạo ra vành đai bảo vệ các công trình, tài sản, tính mạng và bảo vệ sản xuất của người dân. Đai rừng được hình thành góp phần tăng diện tích rừng, tăng độ che phủ rừng, là môi trường thuận lợi để các loài thủy hải sản về cư trú, sinh sản, giúp tạo công ăn việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân trong khu vực.

         Với tính chất lập địa các vùng sạt lở ven sông Hậu và ven sông Tiền trên địa bàn tỉnh, cũng như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần như tương đồng, hiệu quả của dự án là cơ sở khoa học để nhân rộng trong thời gian tới.

Trần Minh Trung

Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới