Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020 đạt nhiều kết quả tích cực

         Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 03/11/2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực về cơ bản đạt được mục đề ra “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, từng bước gắn với thị trường tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chủ lực; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, cải thiện nhanh đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo khu vực nông thôn”, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 1,52%/năm, giá trị gia tăng của toàn ngành trong cơ cấu GRDP của tỉnh giảm từ 46,27% năm 2015 xuống còn 30% vào năm 2020, cơ cấu kinh tế nội ngành có sự chuyển dịch đúng hướng từng bước giảm dần giá trị sản xuất nông nghiệp tăng dần giá trị sản xuất thủy sản năm 2015 giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 69,74%, lâm nghiệp chiếm 1,19%, thủy sản chiếm  29,07%, năm 2020 tương ứng là 59,89%, 1,1%, 39,01%; giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp năm 2020 đạt 170 triệu đồng, tăng 33,2 triệu đồng so với năm 2015; năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân tăng khoảng 5%/năm, thu nhập đầu người đạt 32 triệu đồng/lao động, tăng 1,27 lần; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo áp dụng vào sản xuất tăng gần gấp 1,5 lần đến nay đạt gần 60% và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,22% năm 2015 xuống còn 1,72% năm 2020; ô nhiểm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được đầu tư cải thiện; thông tin về thị trường tiêu thụ được cặp nhật, phổ biến rộng rãi hơn; đời sống vật và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…một số điểm nổi bật trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cụ thể: Huy động các nguồn lực đầu tư tập trung đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực([1]); đẩy mạnh bố trí lại mùa vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi([2]) theo hướng hình thành và phát triển được các vùng, khu, điểm sản xuất tập trung([3]) sử dụng giống mới kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng được một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực; nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu tạo sự đột phát trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp([4]); cơ giới hóa được ứng dụng vào sản xuất ngày càng được mở rộng ở nhiều khâu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản([5]); công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng luôn được qua tâm đầu tư nên diện tích rừng ngày càng mở rộng hệ thống rừng phòng hộ ngập mặn ven biển được phục hồi, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 9.200 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,01%, tăng 0,84% so với năm 2015 góp phần hạn chế xói lở, chắn gió, bảo vệ bờ biển, ổn định môi trường sinh thái cho sản xuất nông nghiệp.

        Lúa – tôm xã Hòa Minh, huyện Châu Thành                             Mô hình tôm – rừng xã Long Khánh, huyện Duyên Hải

 

         Đạt được những kết quả trên là nhờ thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau: Nâng cao được chất lượng công tác quy hoạch; thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi và mùa vụ sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất của các địa phương theo cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao([6]); đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; cụ thể hóa, xây dựng và triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương và của tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả khá tốt; không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, phát triển thủy lợi phục vụ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hoàn thành mục tiêu 10 năm (2010 - 2020) trước 1,5 năm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu([7]) và phát triển thị trường; công tác phòng, chống sâu bệnh được thực hiện một cách tích cực đã khống chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi giúp cho người dân an tâm phát triển sản xuất; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới, phát triển công tác đào tạo nghề cho nông dân; thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản; giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp phục vụ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao năng lực cho ngành đã góp phần tích cực vào thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

         Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế sau: Công tác tuyên truyền, phát động thực hiện chưa tốt, chưa sâu rộng nên chưa làm thay đổi toàn diện về tư tưởng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nên sản phẩm có thương hiệu chưa đủ sức cạnh tranh để xuất khẩu cả về số lượng và chất lượng; quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong những năm đầu diễn ra còn chậm chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, chưa thích ứng kịp với sự biến đổi về khí hậu và thị trường dẫn đến tăng trưởng kém bền vững và chưa đạt mục tiêu đề ra; việc sản xuất còn chạy theo phong trào không theo quy hoạch dẫn đến không đồng bộ với đầu tư kết cấu hạ tầng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, tác động xấu đến môi trường; khoa học công nghệ chưa phát huy hết vai trò, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn nhiều hạn chế nên chưa tạo được sự đột phá về năng suất, sản lượng và chất lượng của các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; công tác dự báo cung, cầu còn yếu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân; quan hệ sản xuất chậm đổi mới, kinh tế hợp tác hoạt động kém hiệu quả chậm được củng cố, nâng cao chất lượng; thiếu doanh nghiệp đủ mạnh đầu tư, thu mua chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; thu nhập của người lao động khu vực nông thôn vẫn còn thấp và chịu nhiều rủi ro.

         Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện, tạo tiền đề tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện cho chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ chế thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu, thì cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

         (i) Tiếp thực triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025; (ii) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa trong cả hệ thống chính trị và tổ chức, cá nhân sản xuất; (iii) Đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng nông, thủy sản chủ lực; (iv) Đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu để tạo đột phá mới về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh; (v) Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm; (vi) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; (vii) Xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển toàn diện nông nghiệp; (viii) Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic; (ix) Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; (x) Bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh và thiên tai.

         Để triển khai thực hiện được các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và PTNT đang tham mưu cho Ban Cán sự Ủy ban nhân dân tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2025 nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.   

Đoàn Văn MInh
Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT

([1]) Phát triển được 20/21 sản phẩm chủ lực của tỉnh đã xác định (Trồng trọt 10 sản phẩm (lúa, bắp, đậu phộng, cam, bưởi, xoài, nhãn, chuối, thanh long, dừa); chăn nuôi 4 sản phẩm (Heo, bò, dê và gia cầm); thủy sản 6 sản phẩm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, chua biển, nghêu, cá lóc); riêng cây mía không đạt), tạo ra tổng giá trị sản xuất đến năm 2019 đạt 19.660 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất toàn ngành; giá trị sản xuất bình quân 01 ha canh tác các sản phẩm chủ lực tăng hơn 1,5 lần so với giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp của toàn tỉnh.

([2]) Giai đoạn 2016-2020, có sự chuyển đổi mạnh từ các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn, cụ thể: Chuyển từ diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây khác và kết hợp nuôi thủy sản được 18.361,95 ha, gồm: Chuyển sang trồng cây hàng năm khác (màu và trồng cỏ) 9.722,69 ha, sang trồng cây lâu năm 4.369,97 ha (cây ăn trái, dừa), sang nuôi thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá lóc…) 4.269,29 ha; hiệu quả kinh tế tăng từ 1,22 đến 7,63 lần so với trước khi chuyển đổi); diện tích cây màu gieo trồng tăng bình quân hàng năm trên 1.000 ha đến cuối năm 2020 có khoảng 50.300 ha diện tích gieo trồng, các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày luôn có sự chuyển đổi diện tích, áp dụng các giống mới và phát triển thêm một số cây trồng mới (dưa lưới, dưa lê, hành tím, khoai lang nhật,…), áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật kháng sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện sản xuất và đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ; diện tích cây ăn trái và cây dừa tăng đáng kể từ 37.688 ha năm 2015 lên 41.895 ha năm 2020, hàng năm cải tạo và trồng mới khoảng 1.500 ha/năm theo hướng tập trung chuyên canh, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng các giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường (cam sành, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, xoài, dừa sáp, dừa uống nước...). Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển đa dạng các con nuôi theo đặc điểm của 03 vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn; chuyển đổi từ con nuôi có giá trị kinh tế thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng 4.336 ha; mở rộng diện tích nuôi cá loài nhiễm thể 02 mảnh vỏ (nghêu, sò huyết) từ 875 ha năm 2015 lên khoảng 1.700 ha năm 2020 và diện tích nuôi cua biển kết hợp năm 2020 làn 18.500 ha tăng gần 6.000 ha so với năm 2015; chuyển đổi 4.500 ha diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh, nâng tổng số đến năm 2020 đạt 11.000 ha; đang phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản lồng bè ven sông, ven biển; các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, con giống có chất lượng đưa vào sử dụng phổ biến, môi trường nuôi được quan tâm bảo vệ góp phần giảm được dịch bệnh, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong lĩnh vực khai thác hải sản từng bước cơ cấu đội tàu theo hướng giảm dần tàu có công suất nhỏ khai thác ven bờ, tăng dần lại tàu có công suất lớn, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại để khai thác xa bờ; củng cố và phát triển các tổ, đội khai thác hải sản; thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản để sớm giải quyết vấn đề áp “Thẻ vàng” của EC.

([3]) Cụ thể: (i) Trồng trọt: Cây lúa vùng sản xuất tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang; các loại màu chủ lực (bắp, rau củ quả các loại, đậu phộng,…) vùng sản xuất tập trung ở hầu hết các huyện, thị xã; các loại cây ăn trái chủ lực (Cam sành, bưởi, xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ) tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú; cây dừa tập trung ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh; (ii) Chăn nuôi: Chuyển từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn, toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết của công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam và Công ty EVERMES; duy trì 04 khu chăn nuôi tập trung ở huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Trà Cú; 446 gia trại và trang trại chăn nuôi quy mô lớn; (iii) Thủy sản: Phát triển được 11.000 ha diện tích nuôi thủy sản bán thâm canh và thâm canh, trong đó nuôi tôm thâm canh mật độ cao khoảng 650 ha tập trung ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải; duy trì được 5.750 ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng tập trung chủ yếu ở huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, lúa - thủy sản 5.600 ha tập trung ở các huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải.

([4]) Toàn tỉnh có 17.476 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840 ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 6,55 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 1.750 ha và nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh 10.880 ha), chiếm 4,71% diện tích sản xuất nông nghiệp.

([5]) Cụ thể: (i) Cây lúa chủ động giải quyết gần 100% nhu cầu của các khâu làm đất, bơm tát nước, tuốt lúa bằng máy; 80% nhu cầu các khâu gieo sạ, phun thuốc, gặt lúa, vận chuyển và khoảng 40% nhu cầu sấy lúa bằng máy góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỷ lệ hao hụt từ 13% xuống còn dưới 10%, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo; (ii) Cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày: Đã chủ động khâu làm đất khoảng 50%, khoảng 70% nhu cầu các khâu: Phun thuốc, bơm tát nước và vận chuyển; khoảng 80% sử dụng máy móc để tách hạt; (iii) Cây ăn quả và cây dừa: làm đất khoảng 50%, khoảng 80% nhu cầu các khâu phun thuốc, bơm tát nước và vận chuyển; (4) Nuôi trồng và khai thác thủy sản: Đã chủ động giải quyết được 100% nhu cầu các khâu: Làm đất, bơm tát nước, quạt nước cho nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, và khoảng 90% cho nhu cầu khai thác thủy hải sản trên địa bàn tỉnh.

([6]) “Toàn tỉnh có 17.476 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840 ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 6,55 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 1.750 ha và nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh 10.880 ha), chiếm 4,71% diện tích sản xuất nông nghiệp.

([7]) Hỗ trợ đăng ký bảo hộ 104 nhãn hiệu, gồm 23 nhãn hiệu tập thể, 81 nhãn hiệu độc quyền và 9 sáng chế, giải pháp hữu ích.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới